Shark Liên – “Bà Ngoại” Của Giới Đỡ Đầu Cho Start-Up

0
891

Shark Liên (hay Shark Đỗ Liên) được công chúng biết đến rộng rãi thông qua chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam Mùa 3 với những phát ngôn gây ấn tượng và những thương vụ mang lại giá trị cho cộng đồng. Vậy chúng ta còn biết gì thêm về vị “cá mập” này?

1. Shark Liên là ai?

Shark Liên tên thật là Đỗ Thị Kim Liên, sinh năm 1968 tại Mê Linh, Vĩnh Phúc. Bà một doanh nhân thành đạt, một nhà đầu tư tài chính, một nhà ngoại giao đầy thiện chí và cống hiến không ngừng nghỉ cho xã hội. 

Về sự nghiệp, Shark Liên là nhà sản lập hãng bảo hiểm công nghệ LIAN – ứng dụng bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam, nhà sáng lập tập đoàn AquaOne chuyên xử lý và cung cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Shark Liên đồng thời đảm nhiệm vai trò Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 10 năm qua, có những đóng góp thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nam Phi.

Shark Liên
Shark Liên

Ít ai biết trước khi trở thành một doanh nhân, Shark Liên từng là một nhà giáo tâm huyết giảng dạy bộ môn Ngữ Văn. Có lẽ vì thế, mà khi bước vào kinh doanh, bà luôn cho rằng “kinh doanh chỉ để làm ra tiền thôi thì chưa phải kinh doanh”, trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng là những yếu tố quan trọng phải được cân bằng. 

Trên tinh thần vì cộng đồng, Shark Liên đã tổ chức nhiều chiến dịch thiện nguyện với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, góp phần củng cố an sinh xã hội. Bà lấy các giá trị nhân văn làm “kim chỉ nam” cho cuộc sống và công việc kinh doanh của mình.

Xuất hiện trong chương trình Shark Tank mùa 3 với vai trò là nhà đầu tư chính, Shark Liên đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với người xem thông qua quan niệm đầu tư đầy tính nhân văn. Shark Liên sẵn lòng tham gia vào các dự án đầu tư mà không cần lợi nhuận, miễn là dự án đó mang lại lợi ích cho cộng đồng và lan truyền giá trị tích cực.

2. Shark Liên và những “thương vụ bạc tỷ” đầy ý nghĩa nhân văn

Nói đến Shark Liên thì không thể không nhắc đến những thương vụ bạc tỷ mà vị “cá mập” này đã tham gia vào. Hầu hết đều là những thương vụ đầy tiềm năng, đồng thời mang những giá trị cao cả hướng đến lợi ích cộng đồng.

2.1. Shark Liên và thương vụ “Khôi phục làng nghề nước mắm truyền thống Làng Chài Xưa”

Trong tập 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 3, Shark Liên đã đầu tư 10 tỷ đồng cho nhãn hiệu nước mắm Làng Chài Xưa. 

Shark Liên
Shark Liên – Thương hiệu Làng Chài Xưa

Với Shark Liên, nước mắm không chỉ đơn thuần là một loại gia vị, mà nó còn là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là sự thật mà không chỉ Shark Liên, mà bất kỳ ai trong chúng ta đều phải công nhận. Ít có một sản phẩm nào mang tính đặc trưng như nước mắm, nó thổi hồn vào từng bữa cơm trên bàn ăn của người Việt, là giá trị văn hóa không nơi đâu có, cũng như không gì thay thế được.

Bên cạnh đó, đằng sau thương vụ này còn là một câu chuyện cảm động về người chị đam mê nấu ăn phải chật vật sống và chiến đấu với căn bệnh ung thư trong những ngày cuối cùng. Câu chuyện khiến Shark Liên và cả trường quay rơi vào trầm tư. Và trong giây phút đó, Shark Liên đã “chốt deal” 10 tỷ cho 15% cổ phần công ty, với hi vọng phát triển Làng Chài Xưa, giữ gìn những giá trị “quốc hồn quốc túy”. 

2.2. Shark Liên và thương vụ “Sử Hộ Vương”

Trong cùng tập 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 3, thương vụ về trò chơi thẻ tướng “Sử Hộ Vương” đã vấp phải nhiều sự phản đối từ Shark Liên và cả cộng đồng mạng ngay khi tập này được phát sóng.

Shark Liên
Thương vụ “Sử Hộ Vương

Với trò chơi này, người sáng lập muốn mang lịch sử Việt Nam đến gần hơn đến với các bạn trẻ thông qua việc “hoạt hình hóa” các nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam theo phong cách vẽ của Hàn Quốc và Nhật Bản vào các thẻ bài. Người sáng lập cho rằng các bạn trẻ Việt Nam thích tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc và Nhật Bản, vì thế, với phong cách hình tượng hóa này, các bạn sẽ dễ mang lịch sử Việt Nam đến với các bạn trẻ vốn là những người thấy Sử học vô cùng khô khan và nhàm chán.

Shark Liên cho rằng đây là một ý tưởng hay và đáng trân trọng, tuy nhiên, với việc vẽ lại chân dung của các vị tướng ngày xưa với phong cách như những “soái ca Hàn Quốc” trong các thẻ bài thì không hề phù hợp. Shark Liên thẳng thắn: “Không thể vẽ bất kể thứ gì lên cũng được. […] Về lịch sử, phải ghi nhận trung thực, không được phép méo mó, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ tóc đen thì không thể vẽ tóc vàng lên thế này được!”.

Vốn dĩ từng nhà một nhà giáo, những giá trị lịch sử dường như vô cùng quan trọng với Shark Liên. Không phải bà không cho phép mang những hình tượng của nhân vật ra kinh doanh, mà là không được phép khiến nó bị sai lệch, lai căng. Shark Liên khẳng định: “Phải giữ gìn bản sắc dân tộc! Bạn muốn đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với lịch sử, bạn lấy những nhân vật lịch sử thì bạn phải tôn trọng cái gốc của lịch sử người Việt là gì!”

Bên cạnh Shark Liên, Shark Hưng – một nhà đầu tư khác cũng thẳng thắn lên tiếng: “Nếu bạn muốn mượn lịch sử để kinh doanh, thì không phải không được. Tôi thích những nhân vật lịch sử của tôi, như Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, nhưng tôi không thích nhìn những nhân vật của tôi bị “bóp méo” đến mức không còn liên quan gì đến hình tượng mà tôi đã tôn thờ từ suốt thời thơ ấu cho đến hôm nay!”

Vị “cá mập” này dường như cũng như Shark Liên, xem những giá trị lịch sử của dân tộc là “quốc hồn”. Ông cũng vô cùng tinh tế khi đưa ra một ví dụ vô cùng thuyết phục: “Nếu trong game của các bạn, Nguyễn Ánh đánh bại Nguyễn Huệ, rồi người chơi đăng tải chúng lên trên facebook và nói rằng Nguyễn Huệ chả có tài năng gì so với Nguyễn Ánh, thì các bạn tính thế nào?”.

Mặc dù vấp phải nhiều sự phản đối kịch liệt từ các nhà đầu tư, trước khi kết thúc, Shark Liên đã ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án này. Tuy nhiên, bà có một điều kiện tiên quyết trước khi rót vốn, đó là trò chơi này phải được thay đổi theo những chỉ dẫn của vị “cá mập” này để nó trở nên phù hợp hơn so với lịch sử chính thống được ghi nhận. Shark Liên cương quyết thay đổi về trò chơi để những giá trị dân tộc không bị tổn hại.

Tuy ra về tay trắng, nhà sáng lập “Sử Hộ Vương” đã để lại khá nhiều ấn tượng về cách tư duy khác lạ. Qua thương vụ này, ta còn thấy rõ sự quyết liệt trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử của Shark Liên – người luôn hướng đến các giá trị chung cho toàn thể người Việt.

2.3. Shark Liên và thương vụ “Be Home” của cô gái chuyển giới Lê Tiểu Luân

Trong tập 7 của Shark Tank Việt Nam, Lê Tiểu Luân đã mang đến chương trình dự án Be Home là sự kết hợp độc đáo giữa homestay và khách sạn. Với sự kết hợp này, cô muốn mang đến cho khách du dịch không khí ấm cúng như ở nhà, nhưng phong cách phục vụ thì chuyên nghiệp như một khách sạn.

Shark Liên
Thương vụ “Be Home

Với phong cách chuyên nghiệp và khả năng giao tiếp sắc sảo, Lê Tiểu Luân nhanh chóng gây ấn tượng với Shark Liên cũng như các Shark khác. Cô nhấn mạnh điểm nổi bật của hệ thống homestay của mình: “Các Shark có bao giờ thích một người lễ tân đến mức xem họ như người nhà và muốn đi dùng lịch cùng họ chưa? Có thể các Shark thì chưa, nhưng nhân viên bên em đã có thể làm được!”.

Bên cạnh việc gọi vốn cho Be Home, Lê Tiểu Luân còn đến chương trình với mục đích thay đổi hình ảnh của cộng đồng người chuyển giới trong mắt xã hội. Cô nói: “Những gì một người bình thường làm được thì một người chuyển giới cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn thế”. Và điều này dường như đã chạm đến trái tim của một người luôn hướng về lợi ích chung của cộng đồng như Shark Liên.

Shark Liên đã ngỏ ý tham gia vào dự án, với điều kiện lợi nhuận kiếm được sẽ trích ra một phần để giúp đỡ cộng đồng người chuyển giới. Bà đồng thời cho biết: “Tôi không tham gia vào dự án này để chia lợi nhuận, chỉ giống như tôi cho các bạn mượn tiền để kinh doanh, sau này các bạn trả lại tôi, đồng thời giúp đỡ những người chuyển giới khác để họ có công ăn việc làm cũng như phát triển các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng”.

Thương vụ khép lại với với sự đầu tư của Shark Liên với 5 tỷ đồng cho 30% cổ phần Be Home.

2.4. Shark Liên và dự án “SheCodes”

SheCodes là dự án vô cùng ý nghĩa với mục đích xóa tan ranh giới nam nữ trong ngành công nghệ thông tin. Trước nay, công nghệ thông tin được “mặc định” chỉ dành cho các bạn nam, điều này là quá mức vô lý vì nữ vẫn có thể đảm nhiệm tốt các công việc trong ngành.

Shark Liên
Hình ảnh Shark trong chươn trình

Chính vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc, dự án nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của “Bà Ngoại” – Shark Liên. Với Shark, đây không chỉ đơn thuần là một sự đầu tư giúp đỡ cho các bạn trẻ khởi nghiệp hay một thương vụ tạo ra lợi nhuận, mà nó chính là tiếng nói của nữ quyền để phá tan định kiến đối với một giới hạn không có thật về khả năng của nữ giới.

Trong một video gần đây được đăng trên kênh Madam Liên với tựa đề “CHẮP CÁNH CHO NHỮNG “QUÝ CÔ CÔNG NGHỆ” | SHECODES HACKATHON 2020”, Shark Liên đã có những chia sẻ về kiến thức, cũng như truyền động lực cho các thành viên của SheCodes. Nói về dự án, “Ngoại nghĩ ngoại sẽ làm được nếu có các con đồng hành. Và nếu các con có đủ quyết tâm, chúng ta sẽ làm nên kỳ tích của Việt Nam”.

2.5. Shark Liên và cuộc chiến giành thương vụ “Ống hút cỏ Green Joy”

Trong tập 8 của chương trình, nữ doanh nhân sáng lập của Green Joy đã mang đến dự án đầy tiềm năng với sản phẩm ống hút cỏ. Dự án ngay lập tức gây được ấn tượng mạnh mẽ với Shark Liên, bà tuyên bố “lợi nhuận thu được bà sẽ chuyển toàn bộ vào quỹ Môi Trường Xanh do bà sáng lập, đồng thời để hỗ trợ các start-up có dự án về môi trường”.

Trong thương vụ này, Shark Liên cùng Shark Bình và Shark Dzũng đã có cuộc tranh đấu nảy lửa để giành dự án này về tay mình. Shark Bình xuống tận nơi start-up đứng để thảo luận về những gì anh có thể hỗ trợ cho cô gái. Anh nói rằng đây là start-up mà anh “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, “chốt deal trong 1 giây – kỷ lục của chương trình”.

Với Shark Liên, bà đưa ra quyết định đầu tư một cách nhanh chóng, dứt khoát và đồng ý “ký check” để giải ngân ngay lập tức tại chương trình. Shark Liên còn được hỗ trợ bởi Shark Hưng, khi Shark Hưng sẽ bỏ ra 2 tỷ đồng để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho cô tại thị trường Châu Âu, nếu cô bắt tay với Shark Liên trong thương vụ này.

Bằng những sự phân tích, start-up đã đồng ý với “deal” của Shark Liên với 4 tỷ đồng cho 33% cổ phần Green Joy.

Shark Liên
Chương trình – tập cuộc chiến giành “Ống hút cỏ Green Joy

3. “Bà ngoại” của giới start-up

Không phải tự dưng mà Shark Liên được gọi là “bà ngoại” của chương trình Shark Tank Việt Nam, người ta gọi thế là do những giá trị mà bà mang đến cho cộng đồng. 

Các Shark khác dường như vô cùng khắt khe trong kinh doanh, còn với Shark Liên, bà chú ý đến nhiều khía cạnh khác nữa, nhất là về giá trị nhân văn, giá trị con người mà dự án chứa đựng. Và cũng từ đó, bà thường “bao dung” hơn với các thiếu sót của các nhà khởi nghiệp.

“Bà ngoại” luôn hướng đến và hỗ trợ nuôi dưỡng, đồng thời giúp hiện thực hóa những ý tưởng của những người trẻ. Đáng ra ở độ tuổi này, một người phụ nữ bình thường đã rời khỏi thương trường và tận hưởng cuộc sống, Shark Liên thì không, bà vẫn luôn ngày ngày truyền ngọn lửa cảm hứng và đam mê nồng nhiệt cho giới trẻ.

Shark Liên
Shark Liên được mệnh danh là bà ngoại

Hi vọng trong tương lai, Shark Liên vẫn sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trẻ trong các dự án khởi nghiệp để cùng tạo ra và lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp hơn nữa cho cộng đồng.

Bạn còn biết thêm điều gì về Shark Liên, nếu có hãy cho mọi người cùng biết nhé! Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, chúc bạn luôn vui khỏe và hạnh phúc! Cứ ở đây nhé, chúng tôi sẽ quay lại với những bài viết hay và ý nghĩa khác sớm thôi!

Nguồn: Kinh tế – thời đại