Platform Là Gì? Những Điều Bạn Cần Biết Về Nền Tảng

0
847

Sự phát triển của nhiều công nghệ hiện đại đã cho ra đời rất nhiều nền tảng platform độc đáo với hệ tính năng đa dạng, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian. Vậy platform là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Nghe từ platform có vẻ khá chuyên môn nhưng thực ra đó chính là những ứng dụng quen thuộc như Google, Facebook, Amazon, Netflix… Gần đây các platform nội dần xuất hiện ví dụ như ứng dụng gọi xe Be, FPT Play và VTV Go, …

Công nghệ điện toán đám mây ra đời, giúp xử lý khối dữ liệu khổng lồ từ các giao dịch đa chiều giữa hàng tỷ cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ từng giây, từng phút. Tận dụng được công nghệ Đám mây, một mô hình kinh doanh có tên là Nền tảng(platform) đã trỗi dậy.

1. Platform là gì?

Platform là gì
Platform là mô hình kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa nhà cung cấp với người dùng

Nền tảng (platform) được định nghĩa là mô hình kinh doanh dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo nên giá trị giữa nhà cung cấp với người tiêu dùng. Mục đích tổng thể của platform: để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia.

Hiểu một cách đơn giản hơn, Platform là nơi kết nối hai hoặc nhiều nhóm khách hàng tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện cho các giao dịch. Nếu trước kia quan hệ mua bán chỉ có một chiều (người bán đến người mua) thì với platform các mối quan hệ đan xen với nhau thành một mạng lưới.

Ví dụ 1: Grab là một platform trong lĩnh vực gọi xe, nó giúp kết nối các khách hàng có nhu cầu đi lại với tài xế. Sự thuận tiện mà grab mang lại cho khách hàng là: dễ dàng gọi xe qua điện thoại ở bất cứ đâu, tìm được tài xế nhanh chóng, dễ dàng thanh toán bằng tiền mặt hoặc ví điện tử…

Ví dụ 2: Shopee là một platform thương mại điện tử hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Giá trị mà Shopee tạo ra: một hội chợ trực tuyến cho mọi người có thể mua bán dễ dàng mọi lúc mọi nơi, phương thức thanh toán đa dạng…

Platform là gì
Platform là gì? Các công ty đang hoạt động trên mô hình platform như Amazon, Lazada, Tiki,…

7/10 công ty giá trị nhất thế giới đang hoạt động dưới mô hình nền tảng như Amazon, Apple, Google, Microsoft, Facebook, Alibaba, Tencent. Những công ty này có điểm chung là phát triển nhanh nhất, tạo nên đột phá mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực bán lẻ, truyền thông, dịch vụ tìm kiếm…

Ngoài nhiệm vụ kết nối, các nền còn giải quyết một vấn đề, đó là niềm tin. Người dùng không rành về giá và cam chịu một cái giá “cắt cổ” từ tài xế. Ngược lại, từ phía tài xế lại sợ gặp phải những người dùng “ma sống” sẽ gây nguy hại cho mình. Do đó họ cần có một platform trung gian, một trung gian mà cả hai đều có thể tin tưởng lẫn nhau.

2. Mô hình Pipe truyền thống và mô hình platform

Trong mô hình Pipeline, doanh nghiệp tự kiểm soát một chuỗi các hoạt động sản xuất theo chiều dọc, với nhiều bước để biến nguyên liệu đầu vào (hóa chất, dầu thô, chai lọ…) thành sản phẩm hoàn thiện giá trị cao hơn (dầu gội, đồ đóng hộp, …) và bán cho người mua để thu lời.

Mô hình kinh doanh nền tảng dựa trên việc tạo ra giá trị bằng cách kết nối các đối tượng tiềm năng và tạo ra giá trị bằng cách thúc đẩy tương tác giữa các đối tượng đó.

Trên thực tế một doanh nghiệp không đơn thuần chỉ áp dụng một mô hình kinh doanh Pipeline hay Platform mà có thể kết hợp cả hai, một ví dụ điển hình là Apple (áp dụng mô hình Pipeline trong sản xuất và phân phối Iphone, và mô hình Platform với nền tảng IOS).

Platform là gì
Nền tảng có thể thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu cực kì lớn và có thể tận dụng sức mạnh cộng đồng để tối ưu hóa công việc kinh doanh.

Vậy mô hình Platform trong thời đại internet có điểm mạnh gì so với mô hình Pipeline truyền thống:

2.1. Scalability:

Platform có thể nhân rộng cực nhanh do có thể loại bỏ nhiều rào cản truyền thống như tài sản cố định.

Ví dụ: Trong ngành du lịch, khách sạn và homestay. Nếu mô hình pipepline như VinPearl muốn mở rộng sẽ cần có rất nhiều tiền mua đất, xây khách sạn, không những vậy còn tốn rất nhiều thời gian.

Nhưng với Luxstay có thể có thêm vài chục nghìn phòng trong thời gian ngắn. Ứng dụng của mô hình này kết nối với các chủ nhà để đưa phòng của họ lên ứng dụng của Luxstay.

2.2. Data & community:

Platform có thể thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu cực kì lớn và có thể tận dụng sức mạnh cộng đồng để tối ưu hóa công việc kinh doanh.

Ví dụ: một platform bán lẻ trực tuyến như Lazada có thể tận dụng sức mạnh cộng đồng để chấm điểm và đánh giá cả nghìn sản phẩm cũng như là nhà cung cấp từ đó tạo ra thuật toán để tối ưu hiển thị để tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.

2.3. Efficiency:

Platform có thể tối ưu hóa, cá nhân hóa sản phẩm tốt hơn để phục vụ mục đích của người tiêu dùng.

Ví dụ: platform Netflix có thể cá nhân hóa sở thích của người dùng, dựa vào lịch sử phim đã xem, Netflix sẽ gợi ý cho người dùng những thể loại phim thuộc sở thích của họ.

2.4. Platform phát triển cơ chế lan truyền từ người dùng đến người dùng

Các platform phát triển thông qua sự phát triển cơ chế lan truyền. Khi mà chính những người dùng khuyến khích những người khác tham gia vào mạng lưới.

Bốn yếu tố cần thiết để bắt đầu quá trình phát triển lan truyền cho một doanh nghiệp theo mô hình nền tảng bao gồm: người gửi, đơn vị giá trị, mạng lưới bên ngoài và người nhận. Một ví dụ về sự phát triển lan truyền của Instagram:

Người gửi

Một người dùng trên Instagram chia sẻ một tấm hình sẽ khởi động một chu kỳ với kết quả là mang về một người dùng mới trên Instagram.

Đơn vị giá trị

Trên Instagram, đơn vị giá trị chính là tấm hình mà người dùng chia sẻ với bạn bè của họ.

Mạng lưới bên ngoài

Đối với Instagram, Facebook hoạt động như là một mạng lưới bên ngoài rất hiệu quả, nó cho phép các đơn vị giá trị (các tấm hình) được lan truyền và chia sẻ cho những người dùng tiềm năng xem.

– Người nhận

Cuối cùng, một người dùng từ Facebook cảm thấy tò mò bởi tấm hình được chia sẻ và quyết định truy cập vào Instagram. Người dùng này có thể tạo ra những tấm hình của họ và bắt đầu chu kỳ mới. Bây giờ thì người nhận sẽ đóng vai trò như là người gửi ban đầu.

Platform là gì
Platform của Instagram đã được thiết kế để tạo ra sự phát triển lan truyền tự nhiên

Trong quá trình phát triển chưa tới hai năm của mình, Instagram nhanh chóng có hơn 100 triệu người dùng tích cực mà không cần phải sử dụng bất kỳ một người quản lý marketing truyền thống nào cả. Instagram có được điều này là bởi vì platform của công ty đã được thiết kế một cách cẩn thận để tạo ra sự phát triển lan truyền tự nhiên và hoàn toàn quen thuộc. Năm 2012, Facebook mua lại Instagram với giá một tỉ USD.

3.Theo dõi vòng đời của một platform

Chưa có một bộ chỉ số hoàn hảo cho mọi platform. Cũng không có những tham số tiêu chuẩn cho mọi platform. Đồng thời, bộ chỉ số theo dõi của một platform không cố định mà biến đổi theo giai đoạn phát triển của platform đó. Các tác giả của quyển sách Platform Revolution chia ba giai đoạn phát triển của các platform.

3.1. Giai đoạn khởi nghiệp

Đây là giai đoạn platform mới ra đời và cần chứng minh sự hữu ích và giá trị của mình. Lúc này, các công ty platform tập trung vào các chỉ số theo dõi sức mạnh của đặc tính cho phép những tương tác cốt lõi trên platform xảy ra tích cực. Chỉ số có thể bao gồm: sự kết hợp người dùng, tính thanh khoản và lòng tin.

3.2. Giai đoạn phát triển

Đây là giai đoạn các công ty platform cần tạo ra doanh thu và thu được lợi nhuận. Theo đó, các chỉ số tập trung vào tác động đến sự tăng cường giá trị và phát triển, bên cạnh các chỉ số đo lường kết quả kinh doanh truyền thống.

3.3. Giai đoạn lớn mạnh

Đây là giai đoạn công ty platform cần điều chỉnh, đổi mới để gia tăng sức cạnh tranh. Khi đó, chỉ số được tập trung vào là số lượng và tốc độ đổi mới của platform.

4. Tác động của mô hình platform đến cấu trúc kinh doanh

Cấu trúc kinh doanh chịu ba tác động từ mô hình platform:

4.1. Tách tài sản ra khỏi giá trị của nó

Nghĩa là tách quyền sở hữu tài sản ra khỏi quyền khai thác và sử dụng giá trị mà nó tạo ra.

4.2. Tái thiết lập trung gian môi giới

Không chỉ xóa bỏ trung gian (giảm chi phí và ma sát trong giao dịch), các platform còn tạo ra các nhà trung gian kiểu mới, khai thác tài nguyên trên chính platform, tạo thêm giá trị cho platform và mang đến lợi ích cho cả người mua và người bán trên platform.

4.3. Tập hợp thị trường

Platform giải quyết vấn đề phân mảnh thông tin trong các ngành và thị trường. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện ra quyết định tối ưu.

5. Cuộc chiến nền tảng (Platform)

Platform là gì
Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đang cạnh tranh gay gắt với nhau

Tại sao gọi là cuộc chiến giữa các nền tảng (platform)? Các công ty platform này có quy mô rất lớn. Khi xuất hiện hiện, diễn ra sự cạnh tranh rất quyết liệt với các công ty truyền thống mà có thể gọi là sáng tạo hủy diệt. Tức là khi cái mới tạo ra cách làm thông minh mới, cách làm cũ không còn hiệu quả nữa. Các doanh nghiệp platform mới trên thị trường cung cấp một dịch vụ tiện lợi hơn với giá rẻ hơn, khuyến mại nhiều hơn thì đương nhiên người dùng ủng hộ phía bên platform đấy. Do đó đây thực sự là cuộc chiến mà người mới sẽ đánh bại người ở phía trước nếu như người đi trước không chịu thay đổi.

Bản thân các platform này cũng chiến đấu với nhau. Trong thị trường thương mại tử có Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đang cạnh tranh gay gắt với nhau. Công nghệ đã mang lại lợi thế gần như là tuyệt đối cho những công ty platform sở hữu trong tay công nghệ so với những công ty truyền thống mà không kịp chuyển đổi số, không có công nghệ trong tay. Đây là cuộc chiến có thể mang tính hủy diệt nhau giữa các công ty.

Qua đây chúng ta nhận ra rằng dường như platform hiện hữu trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, do đó việc trang bị những kiến thức về platform là cần thiết. Hiểu biết thêm về platform không chỉ giúp bạn phục vụ cuộc sống cho chính mình mà còn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong tương lai đấy. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ platform là gì. Chúc bạn thành công.