Phong Trào Bauhaus Cùng Những Dấu Ấn Lịch Sử Khó Phai

0
1025
phong trào Bauhaus

Phong trào Bauhaus là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa. Vậy phong trào Bauhaus là gì mà lại được ứng dụng rộng rãi đến như vậy? Cùng tìm hiểu về trường phái nghệ thuật độc đáo đó qua bài viết này nhé.

1. Phong trào bauhaus là gì?

Phong trào Bauhaus được đặt theo khởi nguồn của nó là từ trường Đại học công nghệ mỹ thuật Bauhaus được thành lập năm 1919 tại Đức.

Tuy chỉ tồn tại vỏn vẹn trong 15 năm trước khi bị phát xít Đức giải tán, tại đây chứng kiến sự ra đời lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật thế giới trường phái kiến trúc khác biệt với sự kết hợp giữa thủ công và mỹ thuật.

Cho đến nay, phong trào Bauhaus đỉnh cao này này vẫn để lại những dấu ấn của mình ở các thiết kế kiến trúc đương đại.

2. Lịch sử hình thành và phát triển phong trào Bauhaus

Từ sau thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), nước Đức chịu hậu quả nặng nề của một quốc gia bại trận.

Cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, khổ cực. Họ phải lao động cật lực để có thể đáp ứng nhu sinh lý căn bản nhất của con người là sinh sống và tồn tại.

Trong sự chi phối về vật chất như vậy, những người nghệ sĩ Đức không còn tâm trí để sáng tạo nghệ thuật nữa.

Trước bối cảnh nghệ thuật suy tàn và u ám, kiến trúc sư người Đức là Walter Gropius đã nhận thấy những khuôn thước kiến trúc hiện tại quá rườm rà, có nhiều chi tiết kiểu cách và đồng bóng không cần thiết.

Sự cách điệu ấy không còn phù hợp với tình hình đất nước nghèo nàn lúc bấy giờ.

Với mong muốn định hình con đường cải cách nghệ thuật cho riêng mình, vào ngày 12.4.1919, Gropius lập ra học viện thiết kế Bauhaus quốc gia, cái nôi của phong  trào Bauhaus.

phong trào Bauhaus
Ngôi trường Bauhaus tại Đức

Tên gọi Bauhaus, dịch là ngôi nhà của các công trình (building house).

Đây còn là tên viết tắt của một cụm từ có ý nghĩa “một sự háo hức với sự cởi mở, thử nghiệm, sáng tạo, liên kết chặt chẽ để thực hành công nghiệp và đa quốc gia”.

Trong những năm đầu đi vào giảng dạy, phong trào Bauhaus đi tìm kiếm sự hài hòa giữa thẩm mỹ và công năng, xóa đi ranh giới giữa nghệ thuật và thực tế.

Có nghĩa là một món đồ nội thất dù có được chạm khắc tinh xảo đến như thế nào nhưng nếu nó không phục vụ được nhu cầu sử dụng cơ bản nhất thì chỉ để trưng bày, không mang lại ý nghĩa gì cả.

Hay nói ngược lại, một sản phẩm thiết kế không chỉ cần đảm bảo về mặt thẩm mỹ mang hơi hướng tinh tế, hiện đại mà còn phải thể hiện được giá trị sử dụng đời thường.

Phong trào Bauhaus không còn vương vấn sự lãng mạn nơi đồng quê, nó tập trung vào đô thị và công nghệ, văn hóa máy móc của thế kỷ 20. 

Tác động mạnh mẽ đến giới nghệ thuật là thế nhưng vào năm 1933, ngôi trường Bauhaus sau nhiều lần di dời cuối cùng đã buộc phải đóng cửa bởi áp lực của Đức Quốc xã khi phong trào Bauhaus bị tố cáo là ‘‘nghệ thuật suy đồi’’, thúc đẩy ‘‘chủ nghĩa hiện đại thế giới’’.

Mặc dù trường bị đóng cửa, những lý luận và quan niệm thiết kế ấn tượng, mang tính cải cách của lối thiết kế Bauhaus vẫn tiếp tục được lan truyền khắp nơi trên thế giới bởi các giảng viên cũ của trường khi họ rời Đất.

3. Đặc trưng của phong trào Bauhaus

3.1. Giản tiện trong thiết kế

Từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, nhiều trào lưu ra đời nhằm giải quyết bài toán cân bằng giữa yếu tố thẩm mỹ và sản xuất công nghiệp đại trà.

Vì phần lớn quan điểm lúc ấy cho rằng một sản phẩm nếu có thể sản xuất hàng loạt thì có nghĩa là thiết kế của nó rất tầm thường mới có thể dễ dàng nhân rộng như vậy.

Phong trào Bauhaus ra đời và tồn tại đến ngày nay chính là giải pháp toàn diện, tối ưu và nhất quán nhất.

Để có thể đáp ứng việc sản xuất công nghiệp trên quy mô lớn, các thiết kế phải tuân thủ theo quy tắc của thời đại là hướng đến sự giản lược các chi tiết bóng bẩy, phù phiếm không cần thiết.

phong trào Bauhaus
Sự tối giản ở các thiết kế theo phong trào Bauhaus

Việc thiết lập tiêu chuẩn trong thiết kế của phong trào Bauhaus như vậy là để đảm bảo cho sản xuất công nghiệp để phục vụ đại chúng.

3.2. Chú trọng công năng

Bauhaus được mệnh danh là ông tổ của chủ nghĩa thiết kế chú trọng vào công năng.

Trong thời điểm nước Đức khó khăn, nhà kiến trúc sư Walter Gropius nhận thấy sự cần thiết của một không gian sống tối giản và tiện nghi hơn là hình thức đẹp đẽ.

Do đó, ông lần lượt lượt bỏ các quy tắc cổ xưa, các chi tiết cầu kỳ phức tạp ra khỏi các thiết kế của mình.

Sau này những tác phẩm mang phong cách của phong trào Bauhaus luôn đặt công năng lên hàng đầu thông qua cách thể hiện ngôn ngữ hình học, hình khối đơn giản trong trang trí. 

“Thẩm mỹ đi liền với công năng” chính là triết lý cơ bản nhất của lối phong cách Bauhaus. 

3.3. Sự thống nhất giữa nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ

Bên cạnh sự chú trọng về công năng ở các thiết kế kiến trúc, phong trào Bauhaus còn định hình phong cách cho chính những người làm nghề khi cho rằng mọi người nghệ sĩ đều cần có nền tảng thủ công.

Walter Gropius từng nói rằng: “Kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, chúng ta đều phải trở về làm thợ thủ công! Ở đó không có gì là “Art Professional – nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Nghệ thuật là một nghề cao quý, nhưng không có gì khác biệt giữa thợ và nghệ sĩ.

Chỉ bằng việc thấu hiểu tất cả công đoạn làm ra sản phẩm, từ khâu sáng tạo cho đến thực thi thì lúc đó tác phẩm nghệ thuật mới thể hiện được hết tài năng, sự đầu tư của người nghệ sĩ.

4. Di sản của Bauhaus trong thiết kế 

Các chương trình giảng dạy ở Bauhaus được thiết kế hoàn chỉnh tới mức những lý thuyết của nó có thể ứng dụng cho tất cả lĩnh vực sáng tạo chứ không chỉ riêng gì kiến trúc, trong đó phải kể đến việc ứng dụng rộng rãi phong trào Bauhaus trong thiết kế đồ họa đương đại.

4.1. Functionalist Typography

Typography có nghĩa là nghệ thuật sắp đặt và thiết kế câu chữ trong một ấn phẩm thiết kế.

Typography theo trường phái Bauhaus cũng chịu ảnh hưởng bởi triết lí về “tính công năng”. 

Theo đó, con chữ cũng là một vật dụng dùng để truyền tải nội dung về mặt ngữ nghĩa, người khác nhìn vào là phải đọc ngay được. 

Vì vậy, Bauhaus hạn chế mọi sự cách điệu, thêm thắt chi tiết cho các thiết kế phông chữ nhưng vẫn đảm bảo tính dễ đọc, ngắn gọn và đơn giản. 

Bauhaus hầu như chỉ tập trung phát triển chữ Sans Serif, tức là kiểu font chữ không có chân. 

Đặc điểm “nhận dạng” dễ thấy nhất của font chữ này là gọn gàng, hiện đại, nét chữ gần như đều nhau.

phong trào Bauhaus
Phông chữ Bauhaus

Phong trào Bauhaus nhận định chữ cũng có sức nặng tương đương hình ảnh tương đương như hình ảnh, và nhào nặn nó như một hình khối hữu hình chứ không đơn giản chỉ ra những dòng chữ có thể được viết, đánh ra dưới dạng văn bản.

Những đặc tính nổi bật nhất của typography chịu ảnh hưởng của lối Bauhaus là clean lines, less is more, geometric foundation và text as shapes.

4.2. Negative Space

Negative Space hay còn gọi là ‘‘khoảng trắng’’, là sự bố trí các vùng không gian trong thiết kế.

Đôi khi, chúng ta quá lạm dụng việc lấp đầy các khoảng trống trong thiết kế bằng việc cố gắng nhồi nhét càng nhiều chi tiết càng tốt.

Phong trào Bauhaus đã chỉ ra rằng việc làm này đôi khi phản tác dụng, làm rối mắt người nhìn và không nêu bật được trọng tâm của tác phẩm khi có quá nhiều đối tượng trong một vùng không gian hạn hẹp.

Các thiết kế đi theo triết lý tinh giản của lối Bauhaus cho thấy việc để trống không gian không đồng nghĩa với sự lười biếng trong sáng tạo mà chính những khoảng trắng này sẽ tạo sự hài hòa về bố cục, mang tới sự sạch sẽ và tự nhiên cho người xem.

phong trào Bauhaus
Sự độc đáo trong việc tận dụng không gian

Và họ đã áp dụng điều này không chỉ trong hội họa, mà trong cả điêu khắc, nhiếp ảnh, kiến trúc…

4.3. Geometric Abstraction

Triết lý tinh giản vật thể của phong trào Bauhaus được thể hiện rõ nét nhất qua cách thể hiện sự vật thông qua hình khối, lược bỏ những chi tiết râu ria, chỉ giữ lại hình hài chính.

Thiết kế hình học là một xu hướng tập trung vào vẻ đẹp đơn giản của việc  kết hợp các hình khối, đường thẳng và đường cong với nhau để tạo ra kết quả.

Wassily Kandinsky, Paul Klee, Johannes Itten, Oskar Schlemmer, Laszlo Moholy Nagy, và Josef Albers đều tin là việc sử dụng những hình học cơ bản là cách thể hiện phù hợp nhất của thời hiện đại. 

Chẳng hạn như để thể hiện bức tranh về buổi sớm bình minh trên biển khơi.

Dãy núi sẽ được tinh gọn trong những khối tam giác nối liền nhau còn mặt trời sẽ gói gọn trong một hình tròn rực đỏ.

Các chi tiết khác như sóng biển sẽ được thể hiện qua các đường cong mảnh nối liền nhau.

Chính nhờ sự đơn giản này mà các thiết kế áp dụng phong cách Bauhaus mang tính biểu tượng rất cao.

Nó được ứng dụng rộng rãi trong các thiết kế về logo, hình xăm hay trang sức vì những tạo hình này đòi hỏi sự thể hiện đơn giản nhưng vẫn thể hiện đầy đủ ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm.

5. Các sản phẩm tiêu biểu của phong trào Bauhaus

5.1. Ghế Wassily

Ghế Wassily Chair nổi tiếng trong phong trào Bauhaus, sau khi được đơn giản và lược bỏ các chi tiết không quan trọng thì cấu tạo của ghế chỉ còn các mặt vải ở vị trí đệm ngồi, lưng tựa và tay vịn.

5.2. Bộ cờ vua Bauhaus của Josef Hartwig

Lý thuyết về việc sử dụng các khối hình học của lối phong cách Bauhaus được thể hiện rõ trong các thiết kế về bàn cờ cũng như là các con cờ của Josef Hartwig.

Bằng cách loại bỏ đi nhiều biểu tượng mang tính tôn giáo thường được sử dụng trong cờ vua, nhà thiết kế người Đức đã mang lại một cảm giác hiện đại cho trò chơi truyền thống này.

phong trào Bauhaus
Ứng dụng hình học của phong trào Bauhaus

5.3. Wardrobe on rollers

Thiết kế tủ quần áo của Josef Pohl nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng công năng của nó lại được phát huy vô cùng triết để đúng như triết lý chú trọng công năng của của lối Bauhaus.

phong trào Bauhaus
Tiêu biểu về công năng theo phong cách Bauhaus

Hệ thống bố trí ngăn đựng và cửa mở tiện lợi giúp tận dụng khoảng trống tối đa, giúp bạn bảo quản được nhiều đồ đạc hơn mà không hề chiếm diện tích trong ngôi nhà.

5.4. Tay nắm cửa

Tay nắm cửa thì có gì mà lại đại diện tiêu biểu cho phong trào Bauhaus?

phong trào Bauhaus
Tay nắm cửa tinh giản Bauhaus

Tay nắm cửa do nhà máy Izé sản xuất chỉ bao gồm một khung bám thân vuông cùng phần tay nắm có hình trụ dài mang lại cảm giác gọn gàng nhưng vô cùng chắc chắn vì được làm từ đồng thau mạ niken.

Như vậy có thể thấy, phong trào Bauhaus là trường phái nghệ thuật có tác động mạnh mẽ không chỉ trong kiến trúc mà còn được ứng dụng vào tất cả loại hình sáng tạo nghệ thuật cho đến ngày nay.