Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Và Những Điều Cần Biết

0
794

“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” là câu nói luôn được đưa vào trong những đoạn quảng cáo sữa dành cho trẻ. Vậy nuôi con bằng sữa mẹ là gì, có những lợi ích gì mà tất cả các chuyên gia y tế, khoa học đều khuyên thực hiện?

1. Những quan niệm sai lầm về nuôi con bằng sữa mẹ

Tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề chứng minh và khuyến cáo rằng nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất cho bé. Vậy nhưng cho đến hiện nay, vẫn còn rất nhiều người phản đối việc cho con bú sữa mẹ mà không dựa trên bất kì cơ sở khoa học nào. 

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nên hay không nên cho con bú sữa mẹ

1.1. Con gầy, suy dinh dưỡng là do bú mẹ

Đây là một suy luận vô lý và phản khoa học nhưng rất nhiều người tin theo. Bởi theo họ, cho con bú sữa mẹ lâu sẽ khiến đứa con gầy gò do không nạp được nhiều chất dinh dưỡng khác. Phải cho con cai sữa sớm thì mới ăn những thực phẩm khác để phát triển cao lớn khỏe mạnh được.

Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Sữa mẹ không chỉ đơn thuần là một loại đồ ăn. Nó chứa nhiều kháng thể, và các thành phần trong sữa mẹ đều thay đổi theo từng ngày để phù hợp với sự phát triển của con. Ở thời gian đầu, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ chủ yếu tập trung vào  nuôi dưỡng cho sự phát triển não bộ của em bé, chứ không tập trung vào tăng cân như các loại sữa khác.

Đối với những loại động vật khác, khi chào đời, chúng có thể đi đứng được rất nhanh. Lý do là vì sữa mẹ của chúng có chức năng tập trung chủ yếu vào phát triển cơ bắp, khiến chúng đi đứng được ngay.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ tập trung phát triển trí não cho trẻ nhiều hơn

Nhưng điều đó không áp dụng cho loài người. Sữa mẹ của con người ưu tiên phát triển cho trí não nhiều hơn so với phát triển về thể chất. 

Chính vì lý do đó mà thông thường, khi trẻ được 1 tuổi mới có thể chập chững đi được. Nhưng khi đó trọng lượng não đã phát triển rất nhanh, đạt đến khoảng 75% kích thước hoàn thiện. Và khi trẻ chạm mức 6 tuổi, bộ não đã bằng 100% não của người lớn. 

Theo các nghiên cứu, sự phát triển trí não của trẻ gần như đạt mức độ tối đa trong vòng 3 năm đầu đời, và sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đó.

Những điều trên đã cho thấy chăm con bằng sữa mẹ hoàn toàn không phải là nguyên nhân khiến cho trẻ thấp còi khi còn nhỏ. Chỉ là cách phát triển của từng giống loài là khác nhau mà thôi.

1.2. Sữa mẹ loãng là thiếu chất

Đối với các bà mẹ bỉm sữa khi cho bé bú sữa mẹ, một trong những điều đáng quan tâm nhất chính là chế độ dinh dưỡng nào là phù hợp để bổ sung nhiều chất, để không bị loãng, để có vị thơm ngon, để con uống vào tăng cân nhanh,… Những trăn trở đó đều bắt nguồn từ các quan niệm truyền tai nhau rằng sữa mẹ loãng là không có chất.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Mỗi em bé đều phát triển theo cách khác nhau

Thực tế, cân nặng của các em bé phát triển khác nhau không phải là do sữa mẹ loãng hay đặc, mà vì nhiều yếu tố tạo thành. Mỗi em bé đều có khả năng hấp thu và mức độ phát triển hoàn toàn khác nhau. Việc đem những các thể độc lập khác nhau ra để so sánh hơn kém về sự phát triển, rồi lên án phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ là một điều vô nghĩa.

Cân nặng không phải là tất cả khi xét đến sự phát triển của trẻ. Nó có thể thay đổi do ốm, cân nặng buổi sáng khác với cân nặng đo được khi cuối ngày. Cân nặng trước và sau khi đi vệ sinh cũng khác nhau. Đó là chưa kể đến sai số của những chiếc cân được sản xuất ở những nơi khác nhau. Do đó không nên quá đặt nặng từng gram một mà gây áp lực cho cả em bé lẫn người mẹ. Rồi đổ tội cho phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ, do sữa mẹ loãng, thiếu chất nên con mới như vậy.

2. Nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất?

Nếu sự thật sữa mẹ không tốt cho con, làm chậm sự phát triển của con, vậy lý do gì mà tất cả các chuyên gia khoa học đều khuyên phải nuôi con bằng sữa mẹ?

2.1. Các thành phần dinh dưỡng chính có trong sữa mẹ

Sữa mẹ chứa tất cả các dưỡng chất tốt cho trẻ như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, và các yếu tố vi lượng mà em bé cần để phát triển khỏe mạnh..

  • Chất béo: cũng giống như người lớn, chất béo giúp em bé phát triển, tạo ra năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa tốt.
  • Protein: taurine một loại protein tốt nhất có trong sữa mẹ. Nó nắm nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển bộ não của trẻ.
  • Vitamin và khoáng chất: các chất này được truyền từ sữa mẹ sẽ giúp trẻ dễ hấp thụ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng.
  • Thành phần dinh dưỡng khác: các chất có trong sữa mẹ giúp tăng cường nhận thức cho trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ

Hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ thích ứng một cách chính xác với nhu cầu của bé trong từng thời kỳ. Những giọt sữa mẹ đầu tiên (sữa non, 4-5 ngày đầu sau khi sinh) có thành phần khác hơn so với sữa chuyển tiếp (từ ngày thứ 5 đến khoảng 2 tuần sau sinh) hoặc sữa trưởng thành.

2.2. Nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp trẻ phát triển toàn diện. Theo Sở Y Tế, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không chỉ có lợi cho con, mà còn cho bà mẹ trên nhiều phương diện.

Nuôi con bằng sữa mẹ
WHO khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu

Lợi ích cho con

  • Sữa mẹ luôn duy trì ở một nhiệt độ ổn định, phù hợp và an toàn cho bé. Bên cạnh đó, vì được “bảo quản” trong cơ thể mẹ, nguồn sữa này tuyệt đối tươi ngon, an toàn và vô trùng.
  • Bạn có biết sữa mẹ là nguồn sữa tự nhiên rất phù hợp cho cả bé là con của chính bà mẹ đó hoặc không phải, sữa có chứa đề kháng không gì có thể thay thế được.
  • Nguồn sữa mẹ có ở mọi lúc mà không cần lo pha sữa, cân đo đong đếm và lúc nào nó cũng ấm và an toàn.
  • Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ theo thống kê ít bị các bệnh tim mạch, tiểu đường khi trưởng thành. Nguồn sữa mẹ rất an toàn, không bị nhiễm khuẩn và không chứa bất kỳ các loại khuẩn gây bệnh: ho, cảm, tiêu chảy,…
  • Khi bú sữa mẹ bé sẽ hạn chế bị các bệnh di ứng như chàm, nhiễm trùng tai.
  • Khi bú mẹ, các cơ hàm của bé sẽ phát triển tốt hơn so với bú bình, tạo điều kiện thuận lơi cho các phát triển cơ hàm về sau.
  • Lượng Sắt có trong sữa rất dễ hấp thu hơn so với các loại sữa khác.
  • Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực, hệ thần kinh và ruột của bé.
  • Trẻ bú mẹ thường ít bị bệnh hơn trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
  • Sữa mẹ cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé cần trong sáu tháng đầu đời
  • Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh.
  • Trẻ bú mẹ thường không bị táo bón và phân thải ra không có mùi như của các bé được nuôi bằng sữa công thức.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Một số lợi ích cho mẹ và bé khi cho bé bú sữa mẹ

Lợi ích cho mẹ

  • Con bú sữa giúp các mẹ muốn lấy lại vóc dáng cũng dễ dàng hơn. Lượng sữa còn tồn đọng trong cơ thể sẽ làm cho cơ thể bạn nặng nề đấy. Việc cơ thể tích lũy chất béo trong giai đoạn thứ hai và thứ ba của thai kỳ chính là để sử dụng trong thời gian cho con bú.
  • Giúp tử cung trở lại kích thước và hình dạng bình thường như trước khi mang thai. Cho con bú làm kích thích tử cung co bóp, và trục xuất các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và màng nhầy, giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh.
  • Làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Làm giảm khả năng phát triển bệnh loãng xương và bệnh tiểu đường loại II
  • Tiết kiệm tiền mua sữa (công thức) cho bé.
  • Cho con bú thường đòi hỏi phải ở tư thế ngồi hoặc nằm. Điều này có thể tạo cơ hội cho người mẹ được nghỉ ngơi thêm.

3. Những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ và cách xử lý

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ khó có thể tránh khỏi những vấn đề gây khó chịu. Nhưng để con lớn khỏe, các mẹ hãy tham khảo những cách xử lý được khuyến cáo của Bệnh viện Từ Dũ sau đây.

3.1. Cương tức sữa

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều người mẹ hay gặp phải tình trạng cương tức sữa. Biểu hiện của nó bao gồm: vú căng do nhiều sữa tụ lại, cảm thấy căng tức, cứng, đau, thấy nóng khi sờ vào.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Cương tức sữa

Nếu đang gặp trường hợp đó, những gì người mẹ cần làm là:

  • Cho trẻ bú thường xuyên hơn để hỗ trợ lưu thông sữa.
  • Massage cổ và lưng trước khi cho con bú. Chườm nóng xung quanh bầu ngực và núm vú để tạo phản xạ tiết sữa. Vắt bớt một ít sữa để giúp thông tuyến sữa, giúp trẻ hút dễ dàng hơn.
  • Cho con bú đúng tư thế. Nếu con không bú được, mẹ hãy vắt sữa ra từng bình/túi đựng chuyên biệt rồi mớm cho con ăn. Sữa vắt ra có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh để cho con ăn dần dần.
  • Đắp khăn mát lên 2 bầu ngực sau khi cho con ăn xong.

3.2. Tắc tia sữa

Người mẹ có thể sẽ bị tắc tia sữa ở một hoặc cả hai bên ngực khi nuôi con bằng sữa mẹ. Biểu hiện của tình trạng này là vú có cục nhưng không nóng, không đỏ.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Tắc tia sữa

Trong trường hợp này, mẹ cần:

  • Đặt khăn ấm lên hai vú từ 5-10 phút
  • Massage nhẹ bên vú bị tắc sữa. Chuyển đồng tay theo chiều từ bên ngoài vào, qua phần có tia sữa bị tắc, và hướng về núm vú.
  • Cho trẻ bú bên có tia sữa tắc trước và bú lâu hơn để làm thông tia sữa.
  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên hơn.
  • Thay đổi áo lót nếu quá chật.

3.3. Đau và nứt núm vú

Triệu chứng này xảy ra khi nuôi con bằng sữa mẹ, khiến mẹ cảm thấy núm vú đau, bị nứt, đỏ lên và có thể chảy máu, cảm giác đau tăng lên khi trẻ ngậm vào.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Đau, nứt núm vú

Để chấm dứt tìm trạng đó, người mẹ hãy làm những việc sau:

  • Tiếp tục cho con bú, bắt đầu từ bên vú ít đau hơn. 
  • Cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách.
  • Thay đổi các tư thế cho con bú khác nhau.
  • Chỉ vệ sinh vú một lần mỗi ngày với nước sạch, không nên sử dụng xà phòng.
  • Xoa một ít sữa lên núm vú sau mỗi bữa bú của con.
  • Nếu quá đau, người mẹ nên vắt sữa ra và mớm cho con ăn riêng. Sau đó nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bôi lên nếu không có chỉ định của bác sĩ.

3.4. Viêm vú

Viêm vú là hậu quả của tình trạng căng tức tuyến vú, hoặc tắc ống dẫn sữa trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ mà không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng của viêm vú bao gồm: bầu vú sưng cứng, cảm thấy đau vú, da đỏ theo từng mảng, sốt và mệt mỏi toàn thân.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Viêm vú

Cách xử lý dành cho các mẹ bị viêm vú là:

  • Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đắp khăn ấm lên vú.
  • Không nên cho bé bú khi vú bị viêm mà hãy vắt hoặc hút phần sữa này bỏ đi.
  • Sau 24 giờ nếu không giảm đau, mẹ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời và thích hợp.
  • Chỉ cho bé bú khi vú đã trở lại tình trạng bình thường.

3.5. Áp xe vú

Đây là diễn biến nặng của viêm vú, có mủ trong vú khi nuôi con bằng sữa mẹ.

Nếu người mẹ gặp tình trạng này, không nên chờ đợi quá lâu mà hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám. Tại đó, các bác sĩ sẽ rạch thoát mủ và kê đơn thuốc phủ hợp để mẹ hồi phục tốt hơn.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Áp xe vú

Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích, không chỉ cho sự phát triển của con, mà còn cho sức khỏe của mẹ. Hiện nay khoa học đã phát triển vô cùng tiến bộ, nhiều nghiên cứu xác thực đã được đưa ra và phổ cập để phục vụ tốt hơn cuộc sống con người. Những kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ là vô vàn và không chỉ dừng lại tại đây. Nhưng điều quan trọng nhất mà các mẹ nên nhớ, chính là hãy tin vào khoa học, tin vào sữa mẹ.