Những Điều Cần Biết Về Nhiễm Trùng Đường Tiểu

0
738

Nhiễm trùng tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu) là bệnh phổ biến chỉ sau các bệnh về hô hấp. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Bệnh dễ điều trị nhưng có nguy cơ tái phát khá cao.

1. Nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Nhiễm trùng đường tiểu, hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu, là bệnh lý nhiễm trùng xảy ra khá phổ biến ở người. Đặc biệt là phụ nữ vì họ có niệu đạo ngắn hơn của nam giới.

Phụ nữ đã lập gia đình có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu khá cao.

nhiễm trùng đường tiểu
Nữ giới co nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn nam giới

Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu (thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo). Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường dễ bị nhiễm trùng nhất.

Nhiễm trùng đường tiểu được chia làm 2 loại theo vị trí giải phẫu bị nhiễm khuẩn:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên: Bao gồm viêm thận bể thận cấp, viêm thận bể thận mạn.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu dưới: Bao gồm viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo.
nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu

2. Dấu hiệu nhận biết sớm nhiễm trùng đường tiểu

Bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng. Triệu chứng thể hiện phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng.

Các triệu chứng chung của nhiễm trùng đường tiểu bao gồm:

  • Bệnh nhân có cảm giác buồn tiểu thường xuyên, vừa đi tiểu xong lại muốn đi tiểu tiếp, nhưng lượng nước tiểu rất ít và ngắt quãng.
  • Tiểu buốt, có cảm giác đau rát khi mỗi khi đi tiểu, có dịch tiết ra từ niệu đạo: Khi bị vi khuẩn xâm nhập, các mô đường tiết niệu sẽ bị viêm và trở nên rất nhạy cảm. Do đó khi nước tiểu đi qua các mô này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau và nóng rát.
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi, có thể có mủ và máu: Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, bệnh nhân sẽ thấy nước tiểu của mình có màu đục và có mùi khác thường, mùi hôi. Người bình thường, nước tiểu thường không mùi và có mùi amoniac nhẹ.
  • Đau vùng bụng dưới: Đây là dấu hiệu cảnh báo bàng quang của bạn đang bị viêm nhiễm. Bệnh nhân có thể đau âm ỉ hoặc chuột rút.
nhiễm trùng đường tiểu
Đau vùng bụng dưới
  • Sốt, buồn nôn, run rẩy hoặc đau lưng nếu thận bị nhiễm trùng.
  • Nếu là phụ nữ sẽ cảm thấy đau vùng xương mu.
  • Kiểm soát bàng quang kém, không kiểm soát được dòng chảy.

3. Do đâu bị nhiễm trùng đường tiểu?

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào hệ thống tiết niệu, thường là vi khuẩn E. coli được tìm thấy ở ruột. Khiến cơ thể tạo ra các phản ứng chống lại sự xâm nhập đó.

nhiễm trùng đường tiểu
Vi khuẩn E-Coli là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiểu

Một số nguyên nhân các khiến đường tiết niệu bị viêm:

  • Vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong đường tiết niệu thông qua các dụng cụ y tế như ống thông dùng trong y khoa. Hoặc các dụng cụ tán sỏi, loại bỏ các dị vật làm tắc nghẽn đường tiểu,…
  • Vi khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần khu vực hậu môn có thể dễ dàng di chuyển vào trong đường tiết niệu. Hoặc di chuyển lên đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có thể xảy ra nếu bạn mặc quần bó sát, hoặc lau người từ sau ra trước trong khi vệ sinh cơ thể. 
  • Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể xảy ra do vi khuẩn xâm nhiễm từ các cơ quan lân cận. Chẳng hạn như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục, rò tiêu hóa, rò bàng quang âm đạo.
  • Quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng đường tiểu: Trong quá trình cọ xác gia hợp, vi khuẩn ở dương vật của nam giới sẽ xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ và bị đẩy lên bàng quang (do lỗ tiểu gần cửa âm đạo), dẫn đến viêm nhiễm.
  • Bệnh có thể xảy ra do một số loại thuốc. Đặc biệt là các loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide.
  • Xạ trị ở khu vực xương chậu.
  • Đặt ống thông trong cơ thể thời gian dài.
  • Chất hóa học trong một số sản phẩm như xà phòng, thuốc xịt vệ sinh phụ nữ,… có thể gây dị ứng ở một số người. Tình trạng dị ứng kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.
  • Do các căn bệnh khác gây biến chứng như tiểu đường, sỏi thận, u xơ tuyến tiền liệt…

4. Yếu tố tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu

  • Thói quen nhịn đi tiểu và ít uống nước.
nhiễm trùng đường tiểu
Nhịn tiểu tiềm ẩn nhiều bệnh tật
  • Giới tính: Ở nữ giới, đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn ở nam giới, nên nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ cao hơn. Nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm trùng tiểu ở nam giới là do bị tắc đường tiết niệu. Hoặc do vi khuẩn đặc hiệu như lao, lậu,… gây nên.
  • Thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh: Khi hệ nội tiết suy giảm, lớp niêm mạc âm đạo và đáy bàng quang mỏng dần. Giảm khả năng kháng khuẩn, vì vậy rất dễ bị vi khuẩn tấn công.
  • Có lối sống sinh hoạt tình dục không an toàn.
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai: sử dụng màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng.
  • Bất thường, dị tật đường tiết niệu bẩm sinh.
  • Suy giảm miễn dịch có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
  • Đặt ống thông tiểu.

5. Hậu quả nhiễm trùng đường tiểu gây ra

Nhiễm trùng đường tiểu tuy nhẹ nhưng nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, nhiễm trùng huyết, viêm bể thận, áp xe quanh thận, suy thận cấp.

Ngoài ra còn nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến sức khỏe người bệnh:

  • Suy giảm hệ miễn dịch: Sức đề kháng của bệnh nhân giảm sẽ tạo nguy cơ lây nhiễm của các bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường tình dục cao hơn (lậu, giang mai, sùi mào gà,…).
  • Ảnh hưởng đến thận: Nhiễm trùng đường tiểu nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và tổn thương thận. 
  • Gây hẹp niệu đạo: Bệnh có thể gây tổn thương trong ống niệu đạo, viêm nhiễm lâu ngày trên ống niệu đạo còn có thể để lại sẹo, gây hẹp niệu đạo dẫn đến khó khăn khi đi tiểu.
  • Gây viêm nhiễm trên nhiều bộ phận: Nhiễm trùng đường tiểu có thể là nguyên nhân gây ra một số bệnh khác ở nhiều bộ phận như bàng quang, tinh hoàn, ống dẫn tinh,…
  • Ảnh hưởng đời sống tình dục của người bệnh: Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn khi quan hệ. Đối với nam giới có thể có cảm giác đau đớn khi cương dương, xuất tinh, tinh dịch có máu,… Đối với phụ nữ thì thấy đau ở bụng dưới khi quan hệ.
nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu gây đau đớn khi quan hệ
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới: Nam giới khi bị bệnh viêm đường tiết niệu nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng của bộ phận sinh dục. Có thể dẫn đến tình trạng cương dương không như ý muốn, suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng,… Từ đó, có thể gây hiếm muộn, vô sinh.
  • Đối với trẻ em, bệnh có thể gây nhiễm trùng thận. Nguy hiểm hơn có thể dẫn tới suy thận mạn tính.
  • Phụ nữ có thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh.

6. Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu

6.1. Các cách lấy bệnh phẩm xét nghiệm

Các bệnh phẩm cần có để thực hiện xét nghiệm có thể được lấy theo các cách sau:

  • Lấy nước tiểu giữa dòng (tổng phân tích nước tiểu): Nước tiểu giữa dòng phải được lấy vào buổi sáng.
  • Lấy nước tiểu qua catheter:  Đặt catheter trong niệu đạo. Khi thực hiện phương pháp này, các vật dụng cần đảm bảo vô khuẩn để không gây nhiễm khuẩn ngược dòng.
  • Chọc hút trên xương mu: Là phương pháp có thể đảm bảo vô khuẩn, phương pháp chọc hút trên xương mu đặc biệt tốt cho nuôi cấy phân lập vi khuẩn kỵ khí. Nhưng kỹ thuật này phức tạp nên ít được thực hiện, mà chỉ áp dụng đối với trẻ em hoặc người lớn mắc bí tiểu tiện.

6.2. Các xét nghiệm chẩn đoán

Phân tích nước tiểu (hóa sinh, tế bào)

Phân tích nước tiểu, có thể được kèm với cấy nước tiểu. Đây là một xét nghiệm dùng mẫu nước tiểu để nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. 

Nước tiểu của bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ chứa vi khuẩn hay tế bào nấm men hoặc ký sinh trùng. Màu nước tiểu khi đó sẽ đục. Bác sĩ sẽ tiến hành tìm vi khuẩn, nấm men, ký sinh trùng bằng phân tích dưới kính hiển vi.

Bác sĩ sẽ biết được loại vi khuẩn nào gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau đó xác định loại thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất.

Kỹ thuật soi niệu đạo

Sử dụng một ống dài, mỏng, có đèn soi gắn phía trước đưa vào niệu đạo và luồn tới bàng quang để quan sát.

Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn nước tiểu

Đây là phương pháp xét nghiệm quan trọng nhất. Xác định chính xác các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Hai vấn đề cần chú ý khi nuôi cấy là: sự hiện diện vi khuẩn ở quy đầu và niệu đạo làm cho nước tiểu có vi khuẩn với số lượng thấp.

Chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp này bao gồm siêu âm, chụp x-quang. Từ đó phát hiện được các dị tật bẩm sinh của đường tiết niệu.

7. Phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu có thể được phòng tránh nhờ vào thói quen sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học:

  • Uống đủ nước dựa theo số cân nặng: Có thể dùng nước lọc hoặc nước ép nhằm lọc đường tiết niệu và có thể hỗ trợ điều trị.
nhiễm trùng đường tiểu
Uống đủ nước mỗi ngày
  • Không nên nhịn tiểu và làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu.
  • Vệ sinh sạch sẽ, lau chùi từ trước ra sau. Không thụt rửa và xịt nước sâu vào âm đạo. Nên tắm vòi sen hơn là tắm bồn. 
  • Giữ vùng kín khô ráo bằng cách mặc quần lót làm từ cotton và tránh các loại quần chật. Chúng tạo môi trường ẩm thấp hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
  • Trước và sau khi quan hệ tình dục cần vệ sinh sạch sẽ, tránh đặt màng ngăn tinh trùng hoặc dùng thuốc diệt tinh trùng.
  • Đi tiểu sau khi có quan hệ tình dục để loại bỏ hết vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo của bạn. Lực chảy của nước tiểu là lực cơ học, có thể đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.
  • Thuốc tránh thai có thể gây tương tác với một số loại thuốc kháng sinh, do đó cần báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc tránh thai.

Trường hợp phát hiện và điều trị sớm, nhiễm trùng đường tiểu có thể điều trị khỏi với những thuốc đạt nồng độ điều trị chỉ trong nước tiểu. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định rõ nguyên nhân, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh để có cách chữa trị kịp thời và phù hợp.