Logistics Là Gì? Những Điều Có Thể Bạn Còn Chưa Biết

0
729

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thì chắc hẳn bạn đã nghe qua thuật ngữ “Logistics”. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu sai về logistic. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực sự logistics là gì qua bài viết sau đây nhé.

1.  Logistics là gì?

1.1. Lịch sử Logistics

Thuật ngữ logistics xuất hiện từ các cuộc chiến cổ đại của đế chế La Mã và Hy Lạp. Những người có chức danh “Logistikas” đảm nhận trách nhiệm chu cấp và phân phối nhu yếu phẩm và vũ khí, đảm bảo quân sĩ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc này có ý nghĩa cực kỳ với cục diện của chiến tranh, khi mỗi phía bằng mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối thủ. Quá trình đó dần hình thành một hệ thống mà về sau được gọi là logistics.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vai trò của “logistics” càng được khẳng định. Quân đội Mỹ đã đảm bảo nguồn cung vũ khí, đạn dược và quân nhu đúng thời gian và điểm điểm một cách tối ưu nhất. Nhờ phát huy lợi thế về công tác hậu cần mà Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế. Trong tình hình hiện nay ứng dụng của logistics vẫn rất hữu ích. Tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn không thể phủ nhận tác dụng của logistics.

Logistics là gì
Khái niệm Logistics

1.2. Khái niệm Logistics là gì?

Theo luật Thương Mại điều 23 quy định:

“Dịch vụ logistics được xếp vào hàng hoạt động thương mại. Theo đó, Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một hoặc nhiều công việc theo quy trình: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, tuân thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói, đánh dấu mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng và nhận lại lợi nhuận từ thỏa thuận với khách hàng.”

Từ “hậu cần” vẫn chưa thực sự giải thích được đầy đủ ý nghĩa về logistics hiện đại, vì vậy ở nước ta vẫn sử dụng nguyên từ logistics, cũng như marketing hay container…

Vậy, chính xác logistics là gì?

Theo Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP định nghĩa:

“Quản trị logistics là quản trị hệ thống gồm: hoạch định, thực hiện, kiểm soát vận chuyển và lưu trữ hàng hóa, dịch vụ. Kể cả bảo quản những thông tin có liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ phục vụ nhu cầu của khách hàng. Quản trị logistics cơ bản bao gồm các hoạt động: quản trị hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, nhận và lên đơn hàng, xây dựng hệ thống mang lưới logistics, quản lý lưu kho, cung cầu, nếu có bên thứ 3 thì phải quản lí cả nhà cung cấp thứ 3. Ở mức độ khác sâu xa hơn quản trị logistics bao gồm việc tìm đầu vào, lên kế hoạch sản xuất, đóng gói, và làm cả dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là kết hợp, tổng hợp, tối ưu và điều phối các hoạt động logistics. Logistics áp dụng các hoạt động khác để quản trị như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”

1.3. Phân biệt với “Chuỗi cung ứng”

Theo Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP định nghĩa:

“Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động như: tìm nguồn cung, nhập hàng, hoạch định sản xuất các hoạt động thuộc chức năng của quản trị logistics. Quản trị chuỗi cung ứng phải thực hiện thêm các công việc như: phối hợp và cộng tác với các đối tác trên cùng một kênh, đối tác của chuỗi cung ứng: nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng. Quản trị chuỗi cung ứng kết nối các vai trò, chức năng với nhau thành một mô hình thống nhất để mang lại hiểu quả. Quản trị chuỗi cung ứng bao gồm tất cả những hoạt động quản trị logistics đã nêu cũng như những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về quy trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.”

Khi so sánh hai định nghĩa trên, ta có thể thất khái niệm chuỗi cung ứng bao gồm cả logistics và quá trình sản xuất. Chuỗi cung ứng chú trọng đến hoạt động mua hàng hơn trong khi logistics giải quyết về chiến lược và phối hợp giữa marketing và sản xuất.

Logistics là gì
Logistics là một phần trong chuỗi cung ứng

1.4. Quy trình dịch vụ Logistic cơ bản

  • Dịch vụ khách hàng;
  • Dự báo nhu cầu;
  • Phân phối hành hóa, dịch vụ;
  • Quản lí lưu kho;
  • Vận tải nguyên liệu, vật liệu;
  • Quản lý quá trình đặt hàng;
  • Xác định kho lưu;
  • Thu gom hàng hóa;
  • Đóng gói, xếp dỡ hàng;
  • Phân loại hàng hóa.
Logistics là gì
Logistics bao gồm các hoạt động dịch vụ khách hàng, dự báo nhu cầu, kiểm soát lưu kho, đóng gói, xếp dỡ hàng, …

2. Chi phí logistics trong hoạt động doanh nghiệp

Chi phí logistics chiểm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi phí của một doanh nghiệp, tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Do đó chi phí logistic cần phải tính toán và kiểm soát một cách chính xác và hiệu quả. Về lý thuyết, chi phí logistics bao gồm: Chi phí hoạt động lưu kho, lưu bãi, nhập kho, Chi phí hoạt động vận tải; Chi phí giá trị thời gian, bao gồm luôn giá trị gia tăng của giao thông vận tải; Chi phí biến động; Chi phí kiểm tra, ghi âm, phân tích, cũng như truyền dữ liệu và xử lý dữ liệu; Phí bốc dỡ; Phí bao bì dự trù; Phí phát triển viễn thông; Chi phí hoạt động chuyển giao tài liệu; Chi phí quản trị hệ thống logistics.

3. Các loại hình Logistics là gì?

Logistics là gì
Các loại dịch vụ logistics 1PL, 2PL, 3PL, 4PL và 5PL

3.1. 1PL (First Party Logistics)

1PL là hình thức logistics tự cấp – dịch vụ mà những người sở hữu hàng hóa tự mình tổ chức và thực hiện tất cả các hoạt động logistics. Các công ty này tự đầu tư các phương tiện vận tải, nhà xưởng, thiết bị xếp dỡ của riêng mình và các nguồn lực khác để thực hiện hoạt động logistics mà không cần đến một bên cung cấp dịch vụ logistics nào khác.

Đa số hình thức 1PL được áp dụng cho các loại hàng hóa có kích thước không quá lớn, dễ vận chuyển và quãng đường vận chuyển ngắn, phần lớn là vận chuyển nội địa. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ không có đủ kinh nghiệm và nguồn lực thì hình thức 1PL sẽ gây ra nhiều khó khăn, không có hiệu quả dẫn đến phát sinh nhiều rủi ro và tốn kém chi phí.

3.2. 2PL (Second Party Logistics)

2PL còn gọi là dịch vụ logistics bên thứ hai. Gồm những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho chuỗi hoạt động logistics. Bên này hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người sở hữu hàng hóa nhưng chưa tích hợp với logistics. 2PL chỉ đảm nhận một khâu nhỏ trong toàn bộ chuỗi logistics. Đó là việc quản lý: vận tải, chuyển kho, thủ tục hải quan, thanh toán,….

3.3. 3PL (Third Party Logistics)

3PL là dịch vụ logistics bên thứ ba, là hình thức phát triển cao hơn và rộng hơn của 2PL.

Các hoạt động mà bên cung cấp dịch vụ logistics thực hiện cho công ty khách hàng dựa theo hợp đồng bao gồm: các chứng từ giao nhận, kê khai hải quan, thông quan hàng hóa, vận chuyển, bốc dỡ hàng,… đảm bảo hàng hóa nguyên vẹn giao đến đúng thời gian và địa điểm thỏa thuận. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào thì công ty Logistics thuê ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm.

3.4. 4PL (Fourth Party Logistics)

Công ty logistics 4PL là chuỗi phân phối hay nhà cung cấp logistics chủ đạo, đóng vai trò gắn kết, hợp nhất các nguồn lực tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để xây dựng, thiết kế và vận hành các giải pháp chuỗi logistics toàn diện.

So với 3PL, 4PL bao quát các hoạt động rộng hơn và mang tính trách nhiệm cao như các dịch vụ quản lý các tiến trình kinh doanh và công nghệ thông tin. 4PL thực hiện việc tổng hợp, quản lý tất cả các nguồn lực và giám sát các chức năng 3PL trong suốt chuỗi phân phối nhằm vươn tới thị trường toàn cầu, đạt được lợi thế chiến lược và các mối quan hệ lâu bền.

Vì 4PL được phát triển trên nền tảng 3PL nên nó đảm nhiệm toàn bộ các chức năng của 3PL, đồng thời tham gia quản lý một hoặc nhiều công ty 3PL khác để cung cấp toàn bộ các chức năng logistics được thuê ngoài.

Hình thức 4PL không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống logistics mà là toàn bộ chuỗi cung ứng của khách hàng. Phần lớn công ty logistics cung cấp dịch vụ 4PL là công ty liên doanh, có hợp đồng hợp tác dài hạn và mang tầm chiến lược lâu dài.

Chính vì vậy, 4PL được xem là Những Nhà Cung cấp Dịch vụ logistics dẫn đầu (Lead Logistics Providers).

3.5. 5PL (Fifth Party Logistics)

Trong bối cảnh bùng nổ của nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ 5PL ra đời và phát triển vài năm trở lại đây.

5PL là một loại dịch vụ được xếp vào hàng thương mại điện tử. 5PL bao gồm 3PL và 4PL quản lý tất cả các bên trong chuỗi phân phối và áp dụng dựa trên nền tảng thương mại điện tử. Bí quyết nắm thóp sự thành công của bên thứ 5 – 5PL là các hệ thống (Hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), Hệ thống quản lý kho hàng (WMS) và Hệ thống quản lý vận tải (TMS). Cả ba hệ thống này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một hệ thống thống nhất.

4. Ngành Logistics là gì ở Việt Nam 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.300 đến 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, đứng thứ 39 trên 160 quốc gia về chỉ số năng lực logistics (LPI) theo điều tra của World Bank năm 2018. Đồng thời, đứng thứ 4 trong trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

Kể từ 2017, mục tiêu riêng cho logistics đã được xác định bởi chính phủ Việt Nam. Mục tiêu này là đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á vào năm 2025. Kế hoạch này đã, đang dần được thực hiện với sự nổ lực không ngừng: cải cách thủ tục hải quan, thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng. Với tốc độ phát triển 16-20% hàng năm, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU được ký kết sẽ là cánh cửa mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành logistics Việt Nam khai thác hết các tiềm năng và phát triển hơn nữa. 

Logistics là gì
Mục tiêu của ngành logistics đến năm 2025

Dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai của EU. Nhưng hiện tại không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của EU. Do đó có thể thấy, EVFTA là cơ hội tuyệt vời cho vận tải, vận tải biển Việt Nam.

Tại Hội thảo Quốc tế Vận tải Biển và logistics châu Á 2019, tất cả các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, nâng cao nguồn lực trong lĩnh vực vận tải biển và logistics, để sẵn sàng chớp lấy cơ hội trong tương lai. Khi mà các công ty sản xuất lớn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển mục tiêu đầu tư của mình về Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động cũng như chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. 

Để có thể đáp ứng được các nhu cầu và yêu cầu về logistics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đồng thời nắm lấy cơ hội phát triển, trở thành trung tâm logistics của khu vực, ngay sau EVFTA được ký kết, ngành logistics Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng cần được đầu tư bài bản, đột phá về công nghệ, quy trình, nguồn lực và  sự hỗ trợ về chính sách từ phía chính phủ. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động logistics ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung.

Hiểu rõ về logistics là gì sẽ giúp bạn có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp đấy. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất về logistics. Chúc bạn thành công.

Nguồn: Kinh tế – thời đại