Hệ Điều Hành Là Gì? Các Loại Hệ Điều Hành Phổ Biến Hiện Nay

0
835

Hệ điều hành là một thứ cốt lõi, được trang bị ở hầu hết các thiết bị điện tử mà bạn thường xuyên sử dụng. Vậy cơ chế hoạt động chính xác của nó như thế nào? Có bao nhiêu loại hệ điều hành? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Hệ điều hành là gì?

Hệ điều hành (OS: Operating System) là một phần mềm nền tảng được cài đặt sẵn trên các thiết bị máy như máy tính để bàn, laptop hay điện thoại, đóng vai trò làm cầu nối giữa người dùng và máy, đảm bảo họ có thể thao tác trên máy một cách trơn tru nhất.

Một hệ điều hành muốn hoạt động hiệu quả cần có 3 thành phần chính như sau:

1.1. Kernel (Nhân hệ điều hành)

Là chương trình đầu tiên được nạp vào trong quá trình khởi động máy, kiểm soát hoàn toàn mọi thứ trên hệ thống, đảm nhiệm các vai trò chính yếu gồm: đọc và ghi dữ liệu, xử lý các lệnh, xác định dữ liệu được nhận và gửi bởi các thiết bị khác, đồng thời diễn giải dữ liệu nhận từ mạng.

1.2. User Interface (Giao diện người dùng):

Đảm bảo quá trình tương tác giữa người dùng với máy tính, chủ yếu là thông qua màn hình máy được truyền tải qua Desktop, Graphical Icons hay Command Line.

1.3. Application Programming Interfaces (Giao diện lập trình ứng dụng)

Cho phép các yêu cầu dịch vụ có thể được tạo ra từ các chương trình máy tính khác hoặc cho phép dữ liệu có thể được trao đổi qua lại giữa chúng. 

Mỗi bộ phận đảm nhiệm một vai trò khác nhau, cùng tạo nên những chức năng của một OS như sau:

  • Trung gian giao tiếp giữa người dùng và hệ thống.
  • Cung cấp tài nguyên cho các chương trình cũng như tổ chức thực hiện các chương trình đó.
  • Lưu trữ dữ liệu trên bộ nhớ ngoài, cung cấp các công cụ để tìm kiếm và truy cập thông tin.
  • Tạo kết nối với các thiết bị ngoại vi để có thể khai thác chúng một cách thuận tiện và hiệu quả.
  • Cung cấp các dịch vụ tiện ích hệ thống.

2. Các hệ điều hành phổ biến dành cho máy tính

2.1. Windows

Đây là hệ điều hành phổ biến nhất dành cho máy tính hiện nay khi nó chiếm tới 90% thị phần trong thị trường máy tính thế giới được phát triển bởi gã khổng lồ phần mềm Microsoft vào năm 1985.

Sau nhiều phiên bản cải tiến qua các năm để phục vụ một phần nhất định của ngành công nghiệp máy tính cũng như để tương thích với các thiết bị ngày càng tiên tiến thì Microsoft đã tạm dừng lại ở phiên bản mới nhất là Windows 10 được cập nhật vào năm 2015.

hệ điều hành
Giao diện Windows 10

2.1.1. Ưu điểm

Tính tương thích cao: Với ưu thế chiếm lĩnh thị phần phần mềm cho máy tính thì dĩ nhiên Windows là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất phần cứng và phát triển phần mềm máy tính khác khi họ sẽ cho ra đời các sản phẩm tương thích với OS này. Chính vì thế mà các thiết bị và ứng dụng hỗ trợ cho Windows cũng cực kỳ đa dạng và phong phú. Tuy nhiên trước khi cài đặt bạn cũng cần lưu ý xem chúng tương thích với phiên bản Windows nào nhé.

Cập nhật thường xuyên: Với mỗi dòng Windows thì Microsoft lại cập nhật thêm nhiều phiên bản khác để vá lỗi cũng như nâng cao bảo mật, đặc biệt phải kể đến hệ điều hành Win 10 với hơn một chục bản cập nhật. Những cải tiến này luôn kế thừa và phát huy các tính năng nổi trội ở các đời trước nên giao diện hầu như không bị thay đổi nhiều, giúp người dùng dễ thích ứng và làm quen ngày lập tức mà không gặp quá nhiều trở ngại về thao tác.

2.1.2. Nhược điểm

Lỗ hổng bảo mật: Quá nhiều người sử dụng vừa là lợi thế vừa là thách thức đặt ra cho Microsoft khi Windows thường xuyên trở thành một miếng mồi ngon của các hacker khi đa số các loại virus máy tính, phần mềm gián điệp, mã độc đều được viết để tấn công người dùng máy tính.  Dù cập nhật vá lỗi thường xuyên nhưng Microsoft vẫn chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới bảo mật này.

Đắt đỏ: Đối với một số quốc gia thì chi phí bỏ ra để mua Windows là khá đắt đỏ, dao động từ khoảng 2 đến 3 triệu rưỡi ở Việt Nam. Do vậy không thể tránh khỏi tình trạng cài Win lậu, gây thất thoát doanh thu cho Microsoft.

2.2. Hệ điều hành Mac OS

Mac OS là hệ điều hành độc quyền chỉ có trên các máy tính Macbook, được phát triển và phân phối bởi Apple với mục đích góp phần tạo nên một hệ sinh thái thống nhất từ phần mềm đến phần cứng.

hệ điều hành
Giao diện Mac OS

2.2.1. Ưu điểm

Sự ổn định: Mac OS của Apple được đánh giá là một nền tảng ổn định, vận hành trơn tru và mượt mà, nếu đem so sánh với Windows thì khó có thể nó ai hơn ai thua nhưng một điều chắc chắn là những người dùng Macbook rất hiếm khi than phiền về hệ điều hành độc quyền này mà trái lại họ còn cảm thấy sự khác biệt so với số đông sử dụng Windows.

Đồng bộ hóa giữa các thiết bị của Apple: Nằm trong hệ sinh thái đóng kín nên Mac OS dễ dàng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các thiết bị khác nhau như: Ipad, Iphone, Macbook,…

Bảo mật cao: Mac OS là một trong những HĐH đảm bảo tính năng bảo mật tuyệt đối vì thế bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về việc bảo mật thông tin cũng như không lo bị hacker tấn công trục lợi.

2.2.2. Nhược điểm

Người dùng Mac OS sẽ chịu thiệt thòi hơn so với người dùng Windows vì nhiều ứng dụng được phát triển để phục vụ phần đông thị trường nên nhiều ứng dụng chỉ có trên Windows chứ không xuất hiện trên Mac hoặc là người dùng Mac sẽ phải chờ một thời gian thì mới có thể sử dụng.

2.3. Linux

Linux là hệ điều hành mã nguồn mở được phát triển bởi cộng đồng mã nguồn mở trên khắp thế giới với các nhánh đa dạng như Ubuntu, Fedora, Linux Mint…, trong đó Ubuntu là nhánh được biết đến rộng rãi nhất với giao diện đẹp cũng được hỗ trợ phát triển lâu bền nhất.

hệ điều hành
Giao diện Ubuntu

2.3.1. Ưu điểm

Hoàn toàn miễn phí: So với Windows và Mac OS thì lợi thế của Linux chính là nền tảng mã nguồn mở và miễn phí dành cho tất cả mọi người. Bạn sẽ không phải mất một đồng nào mà vẫn có thể sử dụng đầy đủ các tiện ích như bộ ứng dụng văn phòng miễn phí OpenOffice và LibreOffice.

Bảo mật: Bạn hoàn toàn không cần phải bận tâm về bảo mật khi sử dụng Linux vì virus hay mã độc không thể hoạt động được trên nền tảng này. Nó được nhiều chuyên gia đánh giá là an toàn nhất trong tất cả các hệ điều hành vì nó là mã nguồn mở nên ai cũng có thể đào sâu vào để  đảm bảo rằng nó không có lỗi và back door.

Linh hoạt: Trên Linux, nếu bạn là một người có nhiều kinh nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với máy tính và có nhiều hiểu biết về nó thì bạn có thể dễ dàng tùy chỉnh theo ý mình để có được trải nghiệm tối ưu nhất, là một môi trường lý tưởng cho các lập trình viên cũng như các nhà phát triển sáng tạo.

2.3.2. Nhược điểm

Một số nhà sản xuất không phát triển driver hỗ trợ nền tảng Linux.

Khó sử dụng: Để thích nghi và nắm được cách sử dụng Ubuntu thì bạn cần khoảng từ 4-6 tuần vì là mã nguồn mở nên bạn phải nhớ tương đối nhiều câu lệnh trong khi với Win và Mac OS thì bạn chỉ đơn giản thao tác bằng những cú click chuột.

Vì khó sử dụng như vậy nên người dùng Linux trên toàn thế giới chỉ chiếm 1% do đó các nhà sản xuất khác không quá mặn mà với việc phát triển ứng dụng cho Linux nên kho ứng dụng của nó cực kỳ hạn chế.

3. Các hệ điều hành phổ biến dành cho điện thoại

3.1. Android: Hệ điều hành phổ biến nhất thế giới

Thời kỳ hậu PC đi qua chứng kiến sự lên ngôi của các thiết bị di động nhỏ gọn và đó cũng là lúc Windows để mất danh hiệu hệ điều hành được sử dụng phổ biến nhất vào tay Android. Đây là một sản phẩm được phát hành vào năm 2007 bởi tổng công ty Android với sự hỗ trợ tài chính của Google sau khi nó được Google chính thức mua lại vào năm 2005 để hỗ trợ phát triển tiếp tục. 

Android được phát triển dựa trên nền tảng mã nguồn mở Linux, được viết để chạy trên các thiết bị smartphone cũng như máy tính bảng và say này còn được tùy biến cho TV, máy chơi game cũng như các thiết bị điện tử khác.

hệ điều hành
Điện thoại sử dụng hệ điều hành Android

Tính đến quý 2 năm 2017, Android chiếm 87,7% thị phần điện thoại thông minh trên toàn thế giới với tổng cộng 2 tỷ thiết bị đã được kích hoạt và 1,3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày, biến nó trở thành hệ điều hành được dùng nhiều nhất mọi thời đại. 

Chính vì những thành công như thế đã khiến Microsoft không thể ngồi yên và quyết định cho ra mắt dòng điện thoại Lumia chạy Windows 10 của riêng mình nhưng nhanh chóng bị khai tử ngay sau đó vì thua lỗ.

3.2. Hệ điều hành IOS

Cũng như hệ điều hành dành riêng cho máy tính thì các thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng cũng được trang bị bộ điều hành riêng là IOS, góp phần vào hệ sinh thái đồng nhất của Apple. 

hệ điều hành
Giao diện iPhone

3.3. So sánh giữa Android và IOS

3.3.1. Khả năng tùy biến

Người sử dụng Android có thể tha hồ tùy chỉnh điện thoại của mình bằng cách thay đổi bố cục của màn hình chính, thêm tiện ích hay phím tắt, thậm chí là tự thiết lập các ứng dụng của bên thứ ba làm tùy chọn mặc định.

Ngược lại, iOS ít tùy biến hơn khi người dùng hầu như chỉ sử dụng những gì đã được thiết lập mặc định sẵn trên thiết bị. Một số người cảm thấy hài lòng về sự cố định này vì nó mang lại sự ổn định và thống nhất trong khi đó những người  thích mày mò hoặc muốn có một giao diện độc đáo, được cá nhân hóa cho riêng mình thì Android là nền tảng dành cho bạn.

hệ điều hành
So sánh hai nền tảng

3.3.2. Bảo mật

Chính vì sự tùy biến linh hoạt , cho phép bạn tải và cài đặt các ứng dụng từ bên ngoài, không thuộc cửa hàng Google Play như thế sẽ làm gia tăng rủi ro bị các phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại của bạn.

Trong khi đó, Apple với sự triệt để của mình đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ bảo mật thông tin với các công nghệ tiên tiến. Điển hình phải kể đến công nghệ nhận diện khuôn mặt để mở khóa cực kỳ chuẩn xác và bảo mật, vừa được trang bị trên các dòng iPhone mới nhất. Điều mà các thiết bị Android chưa làm được.

3.3.3. Điện toán đám mây

iOS chỉ cung cấp cho người dùng 5GB lưu trữ dữ liệu, chỉ hoạt trên tảng Windows, Mac và OS, rất hạn chế vì nhanh chóng ngốn hết dung lượng nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng Google Drive tích hợp trên Android với 15GB lưu trữ hỗ trợ đa nền tảng. Như vậy, mỗi hệ điều hành đều phục vụ nhu cầu sử dụng khác nhau cũng như có những ưu, nhược điểm riêng biệt. Không có phiên bản nào là hoàn toàn hoàn hảo và cũng không thể đánh giá cái nào là tốt nhất. Hãy tự mình trải nghiệm để chọn cho mình một sản phẩm phù hợp nhất nhé.