Vậy các nhóm máu là gì và chúng có nhóm máu vai trò thế nào với chúng ta? Máu là phương tiện vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Tuy nhiên, máu không chỉ là một chất lỏng đơn giản. Các nhóm máu khác nhau có những điều thú vị khác nhau như dưới đây.
1. Các nhóm máu là gì
Máu được chia làm nhiều nhóm gọi là các nhóm máu. Năm 1900, bác sĩ người Áo Karl Landsteiner lần đầu tiên phát hiện ra nhóm máu. Đến 1930, ông đoạt giải Nobel Sinh lý hoặc Y học cho nghiên cứu của mình. Kể từ đó, các nhà khoa học đã phát triển nhiều công cụ mạnh mẽ hơn để tìm hiểu thêm về các nhóm máu.
Tính đến nay, chúng ta đã phát hiện khoảng trên 30 hệ nhóm máu khác nhau như hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ MN…. Tuy nhiên, hệ nhóm máu ABO và Rhesus (Rh(D)) là quan trọng hơn cả do có tính sinh miễn dịch cực mạnh. Việc phân loại các nhóm máu này dựa trên một số chất carbohydrate và protein đặc thù trên hồng cầu.

2. Lịch sử đầy chông gai của các nhóm máu
Hẳn bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh những y bác sĩ dùng máu người này để truyền cho một người khác. Nhưng sự thật trong phần lớn lịch sử, khái niệm lấy máu của người này cho người khác là một giấc mơ không tưởng.
2.1. Bắt đầu từ những năm 1600
Các bác sĩ thời Phục Hưng tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ đưa máu vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Vào những năm 1600, vài bác sĩ đã thử nghiệm ý tưởng này.
Một bác sĩ Pháp tiêm máu con bê cho một người điên, người này ngay lập tức đổ mồ hôi, nôn mửa và đi tiểu ra nước có màu như bồ hóng ống khói. Sau đó ông chết.
Nhiều tai họa như vậy đã mang tiếng xấu cho việc truyền máu trong suốt 150 năm. Ngay cả trong thế kỷ 19, cũng chỉ có một vài bác sĩ dám thử nghiệm phương pháp này.
Trong đó có một bác sĩ người Anh là James Blundell. Ông đã chứng kiến nhiều phụ chết do chảy máu khi sinh. Đến năm 1817, sau cái chết của một nữ bệnh nhân khiến ông không thể cam chịu được nữa và đưa ra kết luận: các bác sĩ không nên truyền máu giữa các loài khác nhau.
Sau đó ông thiết kế một hệ thống truyền máu thử nghiệm trên chó, rồi đến người đầu tiên là một bệnh nhân đang mất máu sắp chết. Bệnh nhân này sau khi được truyền máu nói rằng cảm thấy tốt hơn, nhưng hai ngày sau anh ta chết.
Ông tiếp tục mười lần truyền, chỉ bốn bệnh nhân sống sót.
Blundell đã đúng khi tin người chỉ nên lấy máu người. Tuy nhiên ông lại không biết sự khác biệt nhóm máu.
2.2. Dấu hiệu đầu tiên của các nhóm máu

Những manh mối đầu tiên về các nhóm máu vào đầu thế kỉ 19 là những cục máu đông. Khi các nhà khoa học trộn máu những người khác nhau trong ống nghiệm, đôi khi các tế bào hồng cầu dính vào nhau. Nhưng vì thường lấy máu của người bệnh nên họ hiểu nhầm là bệnh lý không đáng để điều tra. Cho đến khi Karl Landsteiner thấy rằng hỗn hợp máu khỏe mạnh đôi khi cũng vón cục.
Ông thu thập máu, tách mẫu thành tế bào hồng cầu và huyết tương sau đó kết hợp huyết tương của người này với người khác. Ông nhận ra sự kết tụ chỉ xảy ra ở một số trường hợp. Sau đó ông chia thành 3 nhóm máu: A,B và C (sau này C được đổi thành nhóm máu O).
Vài năm sau các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện thêm nhóm máu AB.
Đến giữa thế kỉ 20, nhà nghiên cứu Mỹ Philip Levine đã phát hiện ra một cách khác để phân loại các nhóm máu, dựa trên việc có mang yếu tố nhóm máu Rh hay không.
3. Phân loại và đặc điểm các nhóm máu
Máu có bốn thành phần chính: huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Tất cả chúng đều có thể được hiến – nhận giữa mọi người. Bạn cũng có thể truyền máu toàn phần nếu tất cả các thành phần trong máu tương thích với bệnh nhân. Vậy sự tương thích đó là như nào? Phần này sẽ giải thích cho bạn.
Như đã nói, chúng ta có nhiều hệ nhóm máu. Các hệ nhóm máu thường gặp bao gồm:
● Nhóm máu ABO, tên đầy đủ: hệ thống nhóm máu ABO.
● Nhóm máu Rh, tên đầy đủ: hệ thống nhóm máu Rh.
● Nhóm máu Lewis, tên đầy đủ: hệ thống kháng nguyên Lewis.
● Nhóm máu Kell, tên đầy đủ: hệ thống kháng nguyên Kell.
● Nhóm máu MNS, tên đầy đủ: hệ thống kháng nguyên MNS.
Trong đó ABO và Rh là quan trọng nhất nên tôi sẽ giải thích rõ hơn.
3.1. Hệ nhóm máu ABO
Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Việt Nam có tỉ lệ nhóm O khoảng 42,1%, nhóm B khoảng 30,1%, nhóm A khoảng 21,2% và nhóm AB khoảng 6,6%.
Hãy nhìn hình sau đây. Nguyên tắc là nếu kháng nguyên và kháng thể tương ứng nhau, máu sẽ bắt đầu đông.

Ví dụ Ngọc nhóm máu A và được bơm 1 ít nhóm máu B vào. Điều gì sẽ xảy ra?
Phân tích: Máu Ngọc nhóm A nên có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu, có kháng thể B trong huyết thanh. Khi truyền máu nhóm B, các kháng thể chống B vừa khớp với máu B được bổ sung, và máu cô ấy bắt đầu đông lại. Dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng gọi là “phản ứng tán máu cấp”, trường hợp xấu nhất là tử vong.
Trường hợp khác, nếu bơm nhóm máu O vào cơ thể cô. O không có kháng nguyên nào nên sẽ không làm đông máu của Ngọc.
Như vậy, tổng kết lại là:
● Người nhóm máu A: có thể hiến và nhận máu từ người có nhóm máu A. Có thể nhận nhóm máu O.
● Người nhóm máu B: có thể hiến và nhận máu từ người có nhóm máu B. Có thể nhận nhóm máu O.
● Người nhóm máu AB: có thể nhận máu từ bất cứ nhóm máu nào. Chỉ có thể hiến cho người có nhóm máu AB.
● Người nhóm máu O: có thể hiến cho bất cứ người nào. Chỉ có thể nhận máu từ người có nhóm máu O.
3.2. Hệ nhóm máu Rh
Rh viết tắt của chữ Rhesus, nghĩa là phân loại máu theo yếu tố Rhesus. Hệ này có hai loại nhóm máu là Rh dương và Rh âm. Mỗi nhóm máu Rh sẽ có, hoặc không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Nếu có thì gọi là Rh+, không có thì là Rh-.
Ở Việt Nam, có đến 99,96% người thuộc nhóm máu Rh D(+) và chỉ có 0,04 – 0,07% người thuộc nhóm máu Rh D(-).
Nguyên tắc là:
● Người có nhóm máu Rh+: có thể hiến và nhận máu từ người nhóm máu Rh+. Có thể nhận máu từ người có nhóm máu Rh- (liên quan cha mẹ)
● Người có nhóm máu Rh-: có thể hiến và nhận máu từ người có nhóm máu Rh-. Có thể hiến máu cho người có nhóm máu Rh+.
Trường hợp người có nhóm máu Rh- nhận máu từ người nhóm máu Rh+. Trong lần đầu tiên sẽ không có phản ứng tức thì. Tuy nhiên sau 2 đến 4 tuần, cơ thể của người nhóm máu Rh- sẽ sản sinh ra lượng kháng thể D đủ lớn làm kết dính hồng cầu Rh+. Sau 2-4 tháng kháng thể đạt mức tối đa. Nếu tiếp tục truyền nhóm máu Rh+ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng do tai biến truyền máu.
4. Một số sự thật thú vị về các nhóm máu của bạn
Biết được nhóm máu của mình là rất quan trọng, bạn có thể biết mình có thể hiến và nhận máu từ ai. Hiện nay, nhiều bác sĩ và nhà khoa học nghiên cứu nhiều hơn về nhóm máu của một người. Về việc các nhóm máu ảnh hưởng đến sức khỏe của họ như thế nào. Và sau đây là một số nghiên cứu thú vị đưa đến bạn.
4.1. Nhóm máu hiếm “chuyên cho” – “chuyên nhận”
Nhóm O- có nhu cầu cực kỳ cao tại các bệnh viện. Không chỉ bởi nó là một trong những nhóm máu hiếm nhất, mà còn vì nó là “nhóm máu chuyên cho”. Nhóm máu O- mang yếu tố Rh-, chúng có thể được hiến cho những người có cả nhóm máu dương và âm tính. Những người này cũng có thể hiến tặng cho các nhóm máu A, B và AB.
Ngược lại, nếu thuộc nhóm AB+ thì bạn là người may mắn. Vì nhóm máu này là cao thủ “chuyên nhận”. Chúng chứa cả kháng nguyên A và B và không có kháng thể, cũng như yếu tố Rh+ nên có thể nhận các nhóm máu bất kỳnào khác.
4.2. Phụ nữ nhóm máu O có nhiều khả năng đối mặt với các vấn đề sinh sản hơn
Một trong những yếu tố có thể góp phần vào khả năng sinh sản của phụ nữ là nhóm máu. Tại Trung tâm Sinh sản Đại học Yale vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ hormone kích thích nang trứng (FSH) và phát hiện ra rằng, phụ nữ nhóm máu O có thể có mức FSH cao hơn.
Nồng độ FSH cao thường là dấu hiệu cho thấy dự trữ buồng trứng giảm. Nghĩa là một phụ nữ nhóm máu O có thể có ít khả năng mang thai hơn khi cô ấy già đi.
4.3. Người Nhật tin rằng các nhóm máu có thể dự đoán đặc điểm tính cách

Người Nhật rất coi trọng nhóm máu của mình. Theo nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí International Journal of Science, Spirituality, Business and Technology, “mọi người [ở Nhật Bản] tin tưởng mạnh mẽ rằng các nhóm máu ảnh hưởng đến tính cách, điểm yếu và điểm mạnh của một người.”
Theo niềm tin này, những người thuộc nhóm A bình tĩnh và tự chủ, khéo và lịch sự. Người nhóm máu B là người thực tế, luôn hướng tới mục tiêu và có ý chí mạnh mẽ. Người nhóm máu O hướng ngoại, năng nổ và thẳng thắn. Những người có nhóm máu AB có xu hướng mang đặc điểm ở cả hai phía A và B.
4.4. Nhóm máu có xu hướng thu hút muỗi nhiều hơn các nhóm máu khác
Nhiều yếu tố góp phần vào việc bạn có phải là “nam châm hút muỗi” hay không. Bao gồm cả nhóm máu. Trong một nghiên cứu năm 2004 được công bố trên Tạp chí Journal of Medical Entomology, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một loài muỗi – Aedes albopictus – đã tấn công 83% đối tượng nhóm máu O và chỉ 47% đối tượng nhóm máu A.
Các nhà khoa học tin rằng muỗi có thể cảm nhận được đường mà một số người tiết ra qua da dựa trên nhóm máu của họ.
4.5. Những người có nhóm máu O ít bị mắc bệnh sốt rét hơn các nhóm máu khác
Mặc dù những người có nhóm máu O dễ bị cắn hơn, nhưng họ được bảo vệ chống lại bệnh sốt rét tốt hơn. Thật kỳ lạ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người có nhóm máu O hiếm khi chết vì bệnh sốt rét. Bởi vì protein RIFIN – loại protein gây ra bệnh sốt rét – ít có khả năng liên kết với các tế bào máu O. Do đó không thể gây ra nhiều thiệt hại.
Như vậy, tôi đã đưa ra những điều căn bản mà bạn cần biết về các nhóm máu của con người. Bên cạnh đó là một số nghiên cứu thú vị liên quan đến từ các nhà nghiên cứu. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích trong việc tìm kiếm thông tin của bạn về các nhóm máu.