Bệnh Gout Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Phòng Ngừa

0
629

Cuộc sống ngày càng bận rộn đa số mọi người loay hoay với công việc mà không chú tâm đến chế độ dinh dưỡng dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Bệnh gout cũng ngày càng phổ biến và tuổi mắc bệnh cũng trẻ hóa dần. Chế độ ăn quá thừa đạm cộng với sự lạm dụng rượu bia quá mức dẫn đến rối loạn chuyển hóa của acid uric, từ đó gây ra bệnh gout.

1. Bệnh gout là gì?

Bệnh gout (gút) hay còn gọi là bệnh thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Còn với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp gây sưng, viêm và đau đớn cho người bệnh.

Bệnh gout là gì
Bệnh Gout (Gút) là gì?

Bệnh gout có dấu hiệu đặc trưng là những đợt viêm khớp cấp tái phát, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau đột ngột ở các khớp, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như bàn chân, mắt cá chân, đầu gối) và ít gặp hơn ở khớp tay (cổ tay, bàn tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

2. Các giai đoạn của bệnh gout

Bệnh gout diễn biến qua nhiều giai đoạn. Và ở từng giai đoạn sẽ có tên gọi riêng để nhận biết tình trạng hiện tại của người bệnh.

Giai đoạn 1 – Tăng axit uric máu không triệu chứng

Một người có thể có mức axit uric trong máu tăng mà không có bất kỳ triệu chứng rõ rang nào. Ở giai đoạn này, bạn không cần điều trị, mặc dù tinh thể uric có thể lắng đọng trong mô và có thể gây tổn thương nhẹ.

Những người bị tăng axit uric máu không triệu chứng có thể cẩn phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành gout (gút).

Giai đoạn 2 – Bệnh gout cấp

Giai đoạn này xảy ra khi các tinh thể uric đã lắng đọng đột ngột gây viêm cấp tính và đau dữ dội. Cơn bộc phát bất ngờ này thường sẽ giảm dần từ 3 đến 10 ngày. Đôi khi, cơn gout cấp có thể được kích hoạt bởi tình trạng căng thẳng, uống nhiều rượu bia hay thời tiết lạnh.

Giai đoạn 3 – Khoảng cách giữa các cơn gout cấp

Giai đoạn này là giai đoạn giữa các cơn gout cấp. Các đợt bộc phát bệnh sau đó thường biểu hiện chậm, có thể không xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, mặc dù nếu không được điều trị, các cơn gout có thể tồn tại lâu hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Trong khoảng thời gian này, các tinh thể axit uric tiếp tục lắng đọng trong mô.

Giai đoạn 4 – Bệnh gout có tophi mãn tính

Đây là dạng bệnh gout gây suy nhược nhất cho cơ thể. Chúng gây ra các tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động của xương và thận. Bệnh nhân có thể bị viêm khớp mạn tính và phát triển tophi, khối u lớn do lượng axit uric lắng đọng, trong các khớp của cơ thể như khớp ngón tay.

Sau một thời gian (khoảng 10 năm), nếu không điều trị hoặc điều tri không đúng cách, bệnh gout có tophi mạn tính sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp trị bệnh gout sớm sẽ không tiến triển đến giai đoạn này.

Bệnh gout là gì
Các giai đoạn của bệnh Gout

Bệnh giả gout

Các triệu chứng của gout giả rất giống với bệnh gout, mặc dù cơn bộc phát thường ít nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh giả gout thường dễ gây nhầm lẫn với bệnh gout. 

Sự khác biệt chính là với bệnh gout giả các khớp bị kích thích bởi tinh thể canxi pyrophosphate chứ không phải tinh thể uric như bệnh gout. Ngoài ra, phương pháp điều trị bệnh gout giả cũng khác với bệnh gout.

3. Nguyên nhân gây bệnh gout

Nguyên nhân trực tiếp của bệnh gout là do dư thừa axit uric trong máu hoặc tăng nồng độ axit uric máu gây ra. Axit uric là chất được sản sinh thông qua quá trình phân hủy purin trong cơ thể – hợp chất hóa học có nhiều trong một số loại thực phẩm như:

  • Các loại thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa, dê, thịt thú rừng…),
  • Phủ tạng động vật (tim, lưỡi, lòng, gan, óc, thận, …)
  • Trứng gia cầm (đặc biệt là các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn), 
  • Thực phẩm giàu đạm khác (thịt gà, thịt heo, thịt vịt…)
  • Các loại thủy sản như ếch, lươn…
Bệnh gout là gì
Thực phẩm giàu purine gây ra bệnh gout

Ngoài ra uống nhiều cà phê, bia, rượu làm tăng axit uric trong máu và dễ lắng đọng urate tại khớp, gây ra bệnh gout. Ngoài ra, uống nhiều nước ngọt có ga làm tăng nguy cơ béo phì.

Axit Uric có trong máu sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Nhưng nếu có quá nhiều axit uric được sản xuất, thì chúng sẽ tích tụ lại do không kịp được giải phóng. Sau đó hình thành các tinh thể gây ra viêm và đau ở khớp và mô xung quanh.

Một số yếu tố khác có thể làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh gout có thể kể đến là:

  • Di truyền: nếu có người thân mắc bệnh gout thì bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn người khác.
  • Tuổi tác và giới tính: cơ thể nam giới sản xuất nhiều axit uric hơn nữ giới, tuy nhiên phụ nữ sau khi mãn kinh có mức axit uric gần bằng với nam giới.
  • Uống nhiều bia rượu sẽ can thiệp vào quá trình loại bỏ acid uric khỏi cơ thể. Ngoài ra, chế độ ăn chưa nhiều purin cũng làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể.
  • Thuốc: các loại thuốc lợi tiểu như thiazid, furosemid, acetazolamid, …, một số loại thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính và thuốc kháng lao như pyrazinamid, ethambutol, …có thể làm tăng mức acid uric trong cơ thể.
  • Bạn bị chấn thương đâu đó ở xương khớp hay vừa trải qua phẫu thuật nhưng không được theo dõi sau phẫu thuật kỹ lưỡng.
  • Phơi nhiễm chì: Phơi nhiễm chì mãn tính có liên quan đến một số trường hợp mắc bệnh gout.
  • Béo phì.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Suy thận và các vấn đề về thận khác có thể làm giảm khả năng loại bỏ chất thải của cơ thể, bao gồm acid uric, dẫn đến nồng acid uric tăng cao. Các bệnh lý khác như bệnh tiểu đường và huyết áp cao cũng liên quan đến bệnh gout.

4. Bệnh gout có triệu chứng gì? 

Theo thống kê tổng hợp được thì triệu chứng của bệnh có thể kể đến là:

  • Cơn gout cấp có đặc điểm thường xảy ra đột ngột vào ban đêm với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp trong cơ thể, thường gặp nhất ở khớp bàn chân hoặc ngón chân cái.
  • Đau khớp, sưng đỏ khớp, thường sẽ đau đột ngột, dữ dội. Cơn đau có thể nghiêm trọng nhất từ 4 đến 12 giờ đầu
  • Vị trí đau: Khoảng 80 – 90% cơn gout đầu tiên sẽ khởi phát ở một khớp và phổ biến nhất là khớp ngón chân. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như đầu gối, gót, gân gót, cổ chân, mu bàn chân, cổ tay, ngón tay và khuỷu.
  • Đau thường xuất hiện đột ngột hoặc sau bữa ăn chứa nhiều chất đạm, gắng sức, nhiễm lạnh, chấn thương, căng thẳng … đặc biệt là sau khi uống bia rượu.
  • Tình trạng đau thường xảy ra từ 24 đến 48 giờ và kéo dài trong vòng 3-10 ngày rồi tự khỏi.
  • Theo thời gian các đợt gout bộc phát sau này không tự khỏi, có khả năng kéo dài lâu hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn, đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động…
  • Phạm vi vận động hạn chế. Một khi bệnh gout tiến triển, bạn có thể gặp khó khăn để chuyển động các khớp như bình thường.
Bệnh gout là gì
Dấu hiệu nhận biết bệnh Gout

5. Điều trị bệnh gout

Nguyên tắc cần biết khi điều trị bệnh gout là chống viêm khớp trong đợt cấp, dự phòng đợt cấp tái diễn và hạ axit uric máu sau khi đã qua đợt cấp. Tất cả đều dựa vào chế độ ăn uống, dùng thuốc để tăng đào thải và giảm tổng hợp axit uric. Những người bị tăng nồng độ axit uric máu nhưng không có biểu hiện của viêm khớp thì chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và chưa cần phải dùng thuốc.

“Lưu ý quan trọng bậc nhất khi điều trị bệnh là người bệnh cần phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ điều trị. Chúng bao gồm các thuốc men và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi”, Bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Phục Hồi Chức Năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết.

Bệnh nhân gout mạn tính cần được kiểm tra định kỳ chức năng thận và sỏi thận. Vì nếu không điều trị gout đúng cách, các tinh thể axit uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong thận gây ra sỏi thận.

Béo phì là một yếu tố làm tăng nặng. Vậy nên, các bệnh nhân gout kèm béo phì cần phải cố gắng giảm cân thông qua chế độ ăn uống giàu chất xơ và thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao.

Một số trường hợp bệnh gout được điều trị bằng phẫu thuật như cắt bỏ khối u tophi vì khối u không được điều trị đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn, gây mất thẩm mỹ hoặc hạn chế khả năng đi lại. Không may gout đã phá hủy khớp của bạn quá nhiều thì cần phải phẫu thuật – nội soi cắt lọc phần viêm, nạo bỏ các tinh thể urate trong khớp, rồi sau đó thay thế phần cắt bỏ thành khớp nhân tạo.

Bệnh nhân gout mạn tính nên uống nhiều nước, tối thiểu là 2,5 đến 3 lít nước hằng ngày. Đặc biệt là nước khoáng không ga có độ kiềm cao sẽ giúp làm giảm lượng axit uric trong nước tiểu, hạn chế sự kết tinh urate tại ống thận, từ đó giảm nguy cơ bị sỏi thận.

6. Phòng ngừa bệnh Gout (gút)

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế sự tiến tiển của bệnh gout:

  • Nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được  bỏ thuốc được kê hoăc tự ý uống thuốc không được chỉ định
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn để các bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Tiến hành điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, …
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục hằng ngày

Đặc biệt cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý:

  • Tránh ăn nội tạng, thịt đỏ và hải sản
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ như củ sắn, dưa leo, cà chua, …
  • Hạn chế ăn chất béo bão hòa
  • Thay thế đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc
  • Hạn chế sử dụng các loại thức uống có cồn, đặc biệt là rượu bia
  • Không uống cà phê, trà, nước uống có ga
  • Uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày

Tuy bệnh gout khiến người bệnh đau đớn, căng thẳng và mất ngủ nhưng gout là bệnh lành tính nên có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn. Hy vong bài viết này có thể mang đến những thông tin hữu ích về bệnh gout (gút) cho bạn. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe.